Bão lũ ở miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân,ôngđểthiếuhàngsốtgiádịpcuốinăkqbd granada hoạt động mua bán hàng hóa tại một số địa bàn bị gián đoạn, giá một số mặt hàng tăng cục bộ, nhất là khi dịp cuối năm, tết nguyên đán đang cận kề. Do đó, các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực, tích cực triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung cầu hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu trong dịp sau bão lũ và cuối năm, không để thiếu hàng, sốt giá.
Theo dõi sát diễn biến thị trường
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, trong thời gian qua, một số mặt hàng tiêu dùng thực phẩm có xu hướng tăng, điển hình như thịt lợn hơi. Đây là một trong số mặt hàng thiết yếu đang có sự tăng giá. Tuy nhiên, với các giải pháp tương đối mạnh của cơ quan quản lý nhà nước đã đưa giá về mức ổn định, khoảng dưới 60.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã triển khai nhiều hoạt động tích cực để góp phần ổn định thị trường và giá cả hàng hóa. Thời gian qua, đơn vị đã sát sao theo dõi diễn biến thị trường và chỉ đạo các cục QLTT miền Trung về việc tập trung ứng phó, đảm bảo thị trường hàng hóa ổn định, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. “Trên thực tế, lực lượng QLTT ở địa phương có thiên tai đã tích cực vào cuộc, bám sát địa bàn, tập trung kiểm tra kiểm soát thị trường, đảm bảo ứng phó với tình huống xấu xảy ra, góp phần ổn định thị trường vùng bão, không để người dân vùng bão lũ gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời, xử lý nghiêm vi phạm về tăng giá hàng hóa dịch vụ, thu gom tích trữ hàng hóa chờ thời cơ tăng giá”, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng Cục QLTT chia sẻ.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, đến nay, các hộ kinh doanh, các chợ dân sinh đã bắt đầu hoạt động trở lại đáp ứng nhu cầu nhân dân, lượng hàng hóa cơ bản đầy đủ, đảm bảo phục vụ, ứng phó bão lũ.
Hiện tại TP. Đà Nẵng và các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; Phú Yên, Khánh Hòa và 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên cũng đã dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch. Còn tại các tỉnh bị ngập lụt nặng gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam đến nay đã tiếp tục dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đợt 2 để sẵn sàng cho mùa mưa bão năm nay.
Thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp
Ông Trần Duy Đông cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chức năng tập trung thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường và giá cả hàng hoá tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung.
Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào cuối năm (dịp Tết Dương lịch, Noel, mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán) để hạn chế tăng giá. “Chúng tôi đang tích cực đẩy mạnh tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, đưa hàng hoá thiết yếu cung cấp cho vùng lũ lụt, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, hải đảo. Bên cạnh đó, điều tiết thị trường tiêu thụ, bình ổn giá cả, lưu thông hàng hoá thông qua tổ chức đưa nông sản của các tỉnh đến với thị trường thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...”, ông Đông cho biết.
Bên cạnh việc cung ứng hàng hóa đầy đủ thì việc kiểm soát chặt chẽ thị trường, giữ ổn định giá cả, chất lượng hàng hoá là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong thời gian cuối năm. Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho hay sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý thị trường trước, trong và sau Tết. Trong đó, tập trung mũi nhọn vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ gia tăng đột biến như bánh kẹo, rượu bia, thực phẩm...; phối hợp với các lực lượng thanh tra chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, các hành vi vi phạm về niêm yết giá, làm bất ổn thị trường, đặc biệt lưu ý các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm.
Đáng chú ý, Tổng cục QLTT cũng đã có kế hoạch siết chặt kiểm soát khu vực biên giới nhằm ngăn chặn kịp thời và triệt để tình trạng buôn lậu. “Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu gia tăng mạnh, nhất là thuốc lá, pháo nổ, bia rượu, nước ngọt... Do đó, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp có trọng tâm, trọng điểm để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép”, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về điều hành giá cả những tháng còn lại năm 2020. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và các hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân miền Trung đang khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt. |
Tố Uyên