Biểu tượng Google tại trụ sở ở Mountain View,ạnhhoacuteahệsinhthaacuteikỹthuậtsốlịch c2 hôm nay California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Đây là tuyên bố của Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager đưa ra khi EU bắt đầu thực thi đầy đủ Đạo luật Các thị trường kỹ thuật số (DMA) từ ngày 7-3, theo đó chính thức áp dụng các quy định quản lý cạnh tranh chặt chẽ hơn với các công ty công nghệ toàn cầu.
Với việc đặt ra một loạt quy định cấm và nghĩa vụ đối với các công ty công nghệ có vị thế nổi trội trên thị trường, qua đó thay đổi cách hoạt động kinh doanh của các công ty này tại EU, DMA được kỳ vọng sẽ đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn trong toàn bộ hệ sinh thái kỹ thuật số toàn khối. DMA được đánh giá là đạo luật mang tính bước ngoặt khi viết lại các nguyên lý cơ bản của kinh doanh trên không gian mạng Internet và mạng di động, đảo lộn phương thức kiếm tiền của các “ông lớn công nghệ” và cách người tiêu dùng truy cập những dịch vụ này. Bởi vậy, quá trình thực thi đạo luật tại EU sẽ được xem như “những bài học vỡ lòng” trong lĩnh vực quản lý các công ty công nghệ toàn cầu đang còn nhiều thách thức.
Là một trong những đạo luật quản lý nghiêm ngặt nhất nhằm tới các công ty công nghệ hàng đầu đang có vị thế chiếm lĩnh thị trường, DMA buộc 6 công ty thuộc "nhóm gác cổng” gồm Alphabet (sở hữu Google), Amazon, Apple, ByteDance (sở hữu TikTok), Meta (chủ quản của Facebook) và Microsoft phải tuân theo những quy định để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, với yêu cầu trọng tâm là không được thiên vị các dịch vụ của mình hơn các dịch vụ của đối thủ. EC đã nêu tên 22 ứng dụng "nền tảng cốt lõi" của 6 “gã khổng lồ” công nghệ này, App Store của Apple, Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta; YouTube và trình duyệt web Chrome của Google cũng như Safari của Apple. Các dịch vụ khác là các hệ điều hành mà Apple, Microsoft và Google sử dụng cũng như Google Maps, Play và Shopping của Alphabet. Một ứng dụng được coi là thuộc "nhóm gác cổng" khi có trên 45 triệu người dùng mỗi tháng và trên 10.000 người dùng là doanh nghiệp được thành lập tại EU mỗi năm. Mục đích của DMA là ngăn chặn các hành vi vi phạm luật chống độc quyền để đảm bảo các “ông lớn” công nghệ không thể bóp méo sự cạnh tranh trên các thị trường mới.
Cụ thể, về quảng cáo, trước khi bắt đầu thu thập thông tin của người dùng để phục vụ các mục đích quảng cáo, các dịch vụ thuộc "nhóm gác cổng" sẽ phải được người dùng chấp thuận. Những khách hàng doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ quảng cáo trực tuyến do Amazon, Google và Meta cung cấp được phép yêu cầu cho xem những dữ liệu mà đối tác thu thập liên quan tới chiến dịch quảng cáo cho các doanh nghiệp này. Trước đây, các khách hàng doanh nghiệp hoàn toàn không được biết về những dữ liệu này.
Trong quản lý mảng cửa hàng ứng dụng, luật mới yêu cầu các công ty Apple và Google cho phép các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba được xuất hiện trên những thiết bị chạy bằng các hệ điều hành của những hãng này lần lượt là iOS và Android. Hiện nay, người dùng hệ điều hành Android có thể cài đặt những ứng dụng từ những nguồn khác nhau, theo quy trình “tải bên lề” (sideloading), nhưng lại phải tắt một số cài đặt bảo mật. Apple cũng cảnh báo hệ quả an ninh từ quy trình này. Các chuyên gia trong ngành dự báo luật mới sẽ mở ra thời kỳ “ngập lụt” các cửa hàng ứng dụng thay thế, có cả khả năng sẽ xuất hiện những thỏa thuận độc quyền trong đó có những ứng dụng hoặc trò chơi sẽ chỉ có thể tải về từ những cửa hàng nhất định.
Về các ứng dụng mặc định, người dùng sẽ không bị bó hẹp trong những lựa chọn ứng dụng mặc định trên thiết bị như Safari mặc định trên iPhone, Google Maps mặc định trên thiết bị chạy hệ điều hành Android. "Nhóm gác cổng" phải có cách để người dùng dễ dàng chuyển từ các ứng dụng mặc định sang những lựa chọn khác.Với hoạt động thương mại điện tử, các công cụ tìm kiếm và các nền tảng truyền thông xã hội, những dịch vụ như chợ trực tuyến của Amazon, báo tin mới của Facebook, công cụ tìm kiếm của Google - sẽ bị cấm gợi ý các dịch vụ và sản phẩm của chính những công ty này trên những kết quả tìm kiếm hàng đầu. Amazon từng bị cáo buộc “ưu ái” các sản phẩm của mình hơn các bên cung cấp khác cũng hoạt động ở sàn giao dịch này khi trên màn hình hiển thị kết quả tìm kiếm sản phẩm. Về ứng dụng nhắn tin, người dùng các ứng dụng nhắn tin như Messenger hay Whatsapp của Facebook có thể liên hệ nhanh chóng với bạn bè hoạt động trên các nền tảng khác như Signal hay Telegram. Giới chuyên gia tin rằng quy định này được cho là sẽ làm đảo lộn hoạt động của công ty như Apple khi đã hình thành một hệ sinh thái các sản phẩm liên kết chặt chẽ với nhau như iPhones, iPads, Mac … về cách thức để “làm quen” với những sản phẩm khác.
DMA cho phép Ủy ban châu Âu (EC) cơ quan điều hành của EU và cũng là đơn vị quản lý chống độc quyền có quyền hạn cao nhất trong khối này, được áp dụng các hình phạt nặng hơn, Brussels thậm chí có thể yêu cầu chia tách các công ty. Bà Vestager cho biết điều mà khối này mong muốn là “nhóm gác cổng” phải thay đổi hành vi. Một tập đoàn sẽ bị phạt đến 10% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm các quy định về cạnh tranh nghiêm ngặt nhất và thậm chí đến 20% nếu tái phạm.
Về phía người dùng châu Âu, bà Vestager khẳng định mục đích cuối cùng của việc áp dụng DMA là là mang lại cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn. Luật mới giúp họ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn và thay đổi những dịch vụ đang cạnh tranh với nhau như các nền tảng mạng xã hội, các trình duyệt web và các cửa hàng ứng dụng. Theo đó, người dùng dần dần sẽ nhận thấy hàng loạt thay đổi, trong đó có thể kể đến những lựa chọn màn hình cài đặt sẵn trên thiết bị với đa dạng các gợi ý trình duyệt web và các công cụ tìm kiếm hơn.
Khi triển khai thực hiện DMA, EU đánh giá sẽ có những công ty tuân thủ, thậm chí tuân thủ đầy đủ nhưng cũng sẽ có những trường hợp không thực hiện. Từ năm 2014, EU đã tiến hành điều tra rất nhiều vụ việc các công ty công nghệ không tuân thủ quy định và gần nhất là khoản phạt 1,8 tỷ euro (1,9 tỷ USD) áp với Apple vì hành vi ngăn cản người dùng tiếp cận những gói thuê bao phát trực tuyến nhạc số khác những sản phẩm mà hãng này gợi ý. EC khẳng định luật mới không nhằm làm khó các công ty hay để thu tiền phạt mà để thúc đẩy việc tuân thủ.
Việc EU triển khai áp dụng quy định mới cũng được dự báo khó có thể suôn sẻ bởi ngay từ khi dự luật được giới thiệu đã có rất nhiều tiếng nói phản đối. Apple là một trong những bên phản ứng mạnh mẽ nhất, thậm chí đề cập việc đưa một số điều khoản của đạo luật này kiến nghị lên tòa án có thẩm quyền. ByteDance và Meta cũng có kế hoạch đưa EC ra tòa liên quan đạo luật này.
Trước DMA, EU đã triển khai Đạo luật Dịch vụ số (DSA) từ 25/8/2023, buộc chủ sở hữu các nền tảng này phải hạn chế những thông tin sai lệch và các nội dung tiêu cực như các bình luận mang tính thù địch, các nội dung cổ vũ khủng bố và quảng cáo các sản phẩm không an toàn. Với bộ đôi DMA và DSA, EU đã trở thành nơi đầu tiên trên thế giới mà các nền tảng trực tuyến không còn có thể tự đặt ra quy định của riêng mình. Đây là những bước đi tiên phong cho các nỗ lực quản lý không gian kỹ thuật số không biên giới hiện nay, đảm bảo hệ sinh thái kỹ thuật số phát triển lành mạnh và ổn định. Bà Vestager khẳng định Brussels có sẵn không chỉ luật mới mà còn tất cả các công cụ chống độc quyền được sử dụng trong các vụ kiện riêng lẻ trước đây. Dù kết quả của quá trình này ra sao thì luôn có điều chắc chắn đó là một khi sự sáng tạo được vận dụng để thúc đẩy các hành vi bất hợp pháp thì mọi công cụ quản lý sẽ được triển khai để ngăn chặn, kể cả ở những lĩnh vực mà bộ đôi đạo luật này chưa vươn tới.