“Xóm nghĩa địa với hơn 10 gia đình, bao năm qua gắn đời mình bên các nấm mộ, họ phải đối diện với nhiều cái “không”, là nhà không số, không điện, không nước, không hộ khẩu”, ông Nguyễn Trung Miền, Bí thư, kiêm Trưởng khóm 5, cho biết.
Bấp bênh những phận đời ở đậu
“Xóm nghĩa địa” nằm tách biệt với các ngôi nhà tạm bợ, lụp xụp bao quanh khu nghĩa địa. Ngày ngày, những người trong xóm mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, phụ hồ, giúp việc nhà…, thu nhập bấp bênh, luôn phải sống trong điều kiện khó khăn.
Túp lều lụp xụp chưa đầy 5 m2 của bà Lâm Thị Giếng được che chắn bằng những tấm tol cũ chắp vá để làm mái che. Bà Giếng quê gốc Bến Tre, vì nghèo khổ phải lang bạt khắp nơi tìm kế mưu sinh. Biết khu vực nghĩa địa có đất trống, gia đình bà tìm đến dựng căn chòi. Cứ thế, gần 20 năm trôi qua cả gia đình 3 thế hệ bám trụ khu nghĩa địa cho đến nay.
Bà Lâm Thị Giếng bộc bạch: “Tụi tôi thất học, một chữ cắn đôi cũng không biết và đến đời con cháu cũng vậy. Do gia đình không có hộ khẩu, 5 đứa con tôi cũng không có giấy tờ tuỳ thân nên chuyện đi học, tìm việc làm, trị bệnh… đến đâu cũng bị từ chối thẳng thừng”.
Chị Lê Thị Loan, con dâu út của bà Giếng, cho biết, vợ chồng chị không nghề nghiệp ổn định, chồng đi làm phụ hồ, chị thì bán vé số nhưng thu nhập ít ỏi. “Vợ chồng tôi định xin vô công ty làm công nhân, nhưng vì chồng không có chứng minh Nhân dân, không hộ khẩu thường trú hay giấy tạm trú chứng minh chỗ ở nên chẳng thể xin được việc làm ổn định”.
Con đường nhỏ dẫn vào xóm nghĩa địa. |
Không hộ khẩu, không tạm trú, bà con “xóm nghĩa địa” làm đơn mua điện sử dụng đến ngành điện lực, chính quyền đều không xác nhận nên nhiều năm qua "xóm nghĩa địa” không được sử dụng điện của Nhà nước, mà phải câu đuôi với giá 12.000 đồng/kWh.
Bà Nguyễn Thị Sinh tâm tình: “Khoản tiền đó đối với thu nhập của chúng tôi là rất lớn, nhưng bấm bụng bỏ tiền ra mua từ dây điện, cột trụ để kéo điện cho sáng nhà, sáng cửa, gia đình chỉ sử dụng một số vật dụng cần thiết trong nhà”.
Không chỉ sử dụng điện chia hơi, nguồn nước sinh hoạt khu vực “xóm nghĩa địa” nhiều năm qua không đảm bảo do ô nhiễm môi trường từ khu nghĩa địa. Bà Lâm Thị Giếng cho biết: “Không có nước sạch dùng cho sinh hoạt nên phải mua với giá 10.000 đồng/m3”.
Hướng đi nào cho tương lai
Không chỉ khó khăn về điều kiện sống, mà “xóm nghĩa địa” có khoảng 20 đứa trẻ trong độ tuổi đến trường, một số em ở tuổi từ 12-16, hàng ngày bán vé số, nhặt ve chai… phụ giúp gia đình. Vòng luẩn quẩn của cái nghèo khiến những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình khó khăn cứ loay hoay mãi vẫn thấy tương lai mù mịt.
Những ngôi mộ quanh nhà là sân chơi của trẻ con trong xóm. |
“Nhà không có giấy tờ, không nhập khẩu, không có chỗ ở ổn định nên những đứa trẻ nơi đây thất học. Hơn 1 năm nay, chính quyền tạo điều kiện để làm giấy khai sinh, bảo hiểm y tế, vận động đến trường; dịp lễ, Tết, các đoàn thể cũng hỗ trợ gạo, mì, nhu yếu phẩm cho bà con”, ông Nguyễn Trung Miền chia sẻ.
Em Phan Sang Anh, 14 tuổi, tâm sự: “Mẹ em bỏ đi lúc em còn nhỏ, cha em làm nghề phụ hồ nuôi sống gia đình, hàng ngày em cùng cô bán chuối nướng, hột vịt. Buổi tối em đến lớp ở nhà thờ học để biết chữ”.
Bà Trần Thị Nở cũng vì hoàn cảnh nghèo khó mà lang bạt khắp nơi rồi đến nghĩa địa sinh sống. Già yếu, bà Nở chỉ trông nhà, mọi sinh hoạt trông chờ vào tiền làm hồ của con trai bà. Nét mặt buồn rầu, bà tâm sự: “Không còn cách nào khác mới phải sống chung với người chết, ở riết cũng quen, tiện lợi, dễ kiếm việc làm, không phải thuê nhà. Lo lắng nhất của người dân xóm này là khi nghe tin giải toả, như thế sẽ không biết đi đâu và ở đâu, làm gì để sống”.
Phó chủ tịch UBND Phường 9 Nguyễn Thế Dũng thông tin: “Bà con khu vực nghĩa địa đều là dân từ nơi khác đến sinh sống. Thực tế môi trường ở khu vực này không đảm bảo vệ sinh để ở lâu dài, việc sinh hoạt của bà con rất khó khăn. Vấn đề an cư lạc nghiệp, nhập hộ khẩu, thủ tục đăng ký mua điện, mua nước của bà còn gặp rất nhiều khó khăn vì không đúng với quy định của pháp luật”.
Cũng theo ông Dũng, sắp tới có chủ trương di dời nghĩa địa ra khỏi nội ô thành phố, phường rất cần sự trợ giúp trong việc tạo nơi ở mới cho bà con, cụ thể như nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội cho bà con tập trung về nơi đó để ổn định cuộc sống./.
Kim Liếu