Chia cổ tức bằng cổ phiếu
CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS - mã SBT) vừa thông qua nghị quyết HĐQT việc triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức niên độ 2022 - 2023 và niên độ 2023 - 2024.
Theo đó, TTC AgriS dự kiến phát hành hơn 74 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 10 cổ phiếu mới phát hành. Số cổ phiếu lẻ thập phân (nếu có) sẽ được hủy bỏ. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 1/2025.
Nguồn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối căn cứ vào báo cáo tài chính bán niên 2023 – 2024 đã được kiểm toán của công ty.
Những năm gần đây, cổ đông của TTC AgriS thường xuyên đói cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất công ty chia cổ tức bằng tiền mặt là vào tháng 10/2020 với tỷ lệ khiêm tốn 5%.
Về hoạt động kinh doanh, trong quý 1 niên độ 2024 - 2025 (1/7/2024 - 30/6/2025), TTC AgriS ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.822 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 265 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 5% so với cùng kỳ năm trước.
TTC AgriS cho biết, trong quý đầu tiên của niên độ, sản lượng đường đạt 344.300 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh ở cả kênh xuất khẩu và kênh MNC nội địa đều tăng trưởng tích cực với mức tăng lần lượt là 11% và 32%.
Trong niên độ 2024 - 2025, TTC AgriS đặt mục tiêu doanh thu ở mức 26.168 tỷ đồng, giảm 10% so với niên độ vừa qua, và lợi nhuận trước thuế ở mức 900 tỷ đồng, gần như đi ngang so với niên độ 2023 - 2024. Như vậy, sau quý đầu tiên, công ty này đã hoàn thành 26% kế hoạch doanh thu và 29% kế hoạch lợi nhuận cả niên độ.
Nợ vay gấp rưỡi vốn chủ sở hữu
Tại thời điểm 30/09/2024, quy mô tổng tài sản của TTC AgriS đạt hơn 34.369 tỷ đồng, nhích nhẹ so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất (hơn 35%) với số dư cuối kỳ hơn 12.100 tỷ đồng.
Phần lớn tài sản của TTC AgriS được tài trợ bằng nguồn vốn nợ. Tổng nợ phải trả tại ngày cuối tháng 9 ở mức 23.420 tỷ đồng, tăng khoảng 500 tỷ so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm đến hơn 16.600 tỷ đồng (71% tổng nợ phải trả), tăng 600 tỷ so với đầu năm. Riêng nợ vay tài chính đã gấp rưỡi vốn chủ sở hữu của công ty tại cùng thời kỳ.
Nợ vay lớn khiến TTC AgriS phải gánh hàng trăm tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi quý, ăn mòn đáng kể lợi nhuận. Riêng trong quý đầu niên độ 2024 - 2025, công ty đã phải gánh gần 389 tỷ đồng chi phí lãi vay, tương ứng bình quân mỗi ngày phải trả hơn 4 tỷ đồng.
Dù đi vay nhiều nhưng TTC AgriS vẫn duy trì một lượng tiền khá ổn định ở mức hơn 7.600 tỷ đồng, bao gồm tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn. Ngoài ra, công ty còn có khoản chứng khoán kinh doanh 812 tỷ đồng và đang phải trích lập dự phòng hơn trăm tỷ.
Trên thị trường, cổ phiếu SBT của TTC AgriS đang dừng mở mức 12.350 đồng/cp, giảm khoảng 6% so với đầu năm. So với đỉnh lịch sử đạt được cuối tháng 7/2017, thị giá cổ phiếu này đã “bốc hơi” gần 60%. Giá trị vốn hoá thị trường tương ứng còn khoảng hơn 9.100 tỷ đồng.