Trong cơ cấu giá thành sản xuất tôm hiện nay,ảibàitoánnănglượngđiệnchongànhtôvdqg ukraine chi phí điện chiếm trung bình khoảng 6,28 -7,05% tùy điều kiện ao nuôi. |
Chi phí sử dụng điện của ngành tôm
Nuôi tôm thâm canh thường sử dụng năng lượng để bơm nước, cung cấp oxy, loại bỏ cặn, hệ thống lưu trữ đóng băng, chế biến và các hoạt động khác. Năm 2017, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ở 10 tỉnh phía Nam đạt hơn 428.000 ha và tiêu thụ khoảng 12 tỷ kWh điện. Ước tính, diện tích canh tác của 10 tỉnh sẽ mở rộng lên tới 651.000 ha và mức tiêu thụ điện sẽ tăng khoảng 30% vào năm 2020.
Trong cơ cấu giá thành sản xuất tôm hiện nay, chi phí điện chiếm trung bình khoảng 6,28 -7,05% tùy điều kiện ao nuôi. Đa số nguồn điện dùng cho việc cung cấp oxy.
Theo báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) và Oxfam trong khuôn khổ Dự ánPhát triển Chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững - công bằng tại Việt Nam (SUSV), người nuôi tôm phải đầu tưtừ 50 đến 200 triệu đồng/ha/vụ tùy vào mô hình nuôi tôm. Chi phí về điện chiếm khoảng 7-10% tổng chi phí sản xuất.
Tính ra, tiêu hao điện để sản xuất tôm dao động từ 2,62-8,540 kWh/tấn tôm thành phẩm, tương đương chi phí 955-8.000 đồng (0,04-0,35 USD) mỗi kg tôm. Theo sản lượng tôm tăng thêm với các kịch bản phát triển nuôi tôm, thì nhu cầu tối thiểu lượng điện tăng thêm vào năm 2020 là 280 triệu kWh và năm 2025 là 712 triệu kWh. Đây là nhu cầu rất lớn mà khả năng cung cấp điện hiện tại chưa đáp ứng được.
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Nam, tốc độ tăng nhu cầu điện thương phẩm của ngành nông - lâm - thủy sản khu vực miền Nam rất cao (năm 2016 tăng đến 77,29%). Điều này chứng tỏ việc sử dụng điện để phục vụ nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu phục vụ nông nghiệp đã tăng lên rất nhiều và sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Thêm vào đó, nghiên cứu chỉ ra rằng, sản xuất tôm và việc sử dụng điện để cung cấp oxy đang góp phần vào tình trạng nóng lên toàn cầu, với chi phí giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu trong dài hạn ngày càng gia tăng.
Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, trong tương lai gần, sẽ đẩy mạnh khai thác có hiệu quả, tăng tỷ trọng sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của Việt Nam, đặc biệt là năng lượng mặt trời.
Việc phát triển năng lượng mặt trời được xác định là giúp đáp ứng nhu cầu điện năng cho hệ thống tải tiêu thụ tại chỗ, tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, tiết giảm lượng điện sử dụng từ lưới, giảm phát thải khí nhà kính và góp phần thực hiện cam kết quốc gia tự đóng góp (NDC) giảm 8% phát thải khí nhà kính đến năm 2030.
Thêm vào đó, việc này giúp tận dụng mặt đất, mặt nước trong nuôi tôm để xây dựng công trình giá trị gia tăng, giảm giá thành trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Phát triển ngành nuôi tôm theo hướng bền vững về môi trường và nâng cao hiệu quả chi phí của quá trình sản xuất sẽ giúp nâng cao giá trị và thu thập cho ngành tôm của Việt Nam.
Các rào cản
Hội nghị do Oxfam tại Việt Nam và ICAFIS tổ chức mới đây đã chỉ ra những rào cản và thách thức trong việc sử dụng năng lượng tái tạo cho ngành tôm Việt Nam. Theo đó, về công nghệ, người dân còn nghi ngại khi lựa chọn điện mặt trời, do còn thiếu những nghiên cứu về tuổi thọ pin mặt trời. Những thông số kỹ thuật cho rằng, điện mặt trời có tuổi thọ 10 - 15 năm và có khả năng tái sử dụng chủ yếu đến từ các nhà bán hàng, chứ chưa có một đánh giá và khuyến cáo từ cơ quan khoa học hay nhà quản lý. Người dân vẫn chưa rõ rằng, sau 10-15 năm sử dụng, các tấm pin mặt trời sẽ được sử dụng hay quản lý thế nào và liệu có trở thành rác thải độc hại hay không.
Về chi phí đầu tư, điều thuận lợi là đã có nhiều công ty điện mặt trời sẵn sàng cung cấp thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật và các ngân hàngsẵn sàng cho người dân vay vốn. Song lãi suất ngân hàng lên đến 12% (theo HD Bank) thì quá cao và thời gian thu hồi vốn sẽ dài.
Dự tính của các công ty năng lượng mặt trời và ngân hàng là, sau khoảng 7 năm, người dân có thể trả cả gốc lẫn lãi nếu được hòa lưới bán điện cho Nhà nước và từ đó sử dụng hệ thống điện mặt trời miễn phí với chi phí bảo trì thấp. Người dân lo ngại rằng, sau 7 năm, hệ thống điện mặt trời không còn hoạt động hiệu quả.
Trong khi đó, rào cản lớn nhất lại thuộc về chính sách hòa lưới điện và giá bán điện. Hiện Bộ Công thương đã có chính sách hòa lưới mua điện từ các hộ gia đình cho hệ thống điện áp mái. Nhưng chính sách cho hệ thống điện mặt trời cho nuôi trồng thủy sản thì chưa có.
Tất cả các hệ thống điện mặt trời được đặt dưới đất đều được xác định là điện farm. Và như vậy, người dân nếu muốn lắp điện cho hệ thống nuôi tôm của mình cũng phải làm các thủ tục và quy trình đăng ký sản xuất điện hòa lưới quốc gia giống như những tổ hợp điện mặt trời công suất lớn.
Quy trình này vốn rất phức tạp và kéo dài, khiến những hộ nuôi tôm quy mô nhỏ không mặn mà tham gia. Rào cản là ở việc hiện không có chính sách cụ thể về sử dụng điện mặt trời trong ngành thủy sản, trong khi đã có nhiều chính sách quy định rất cụ thể về các hệ thống điện áp mái và điện farm.
Theo Thông tư số 05/2019/TT-BCT của Bộ Công thương, giá điện ưu đãi mà người dân có thể hòa lưới bán cho Nhà nước trước ngày 1/1/2018 là 9,35 UScents/kWh, nhưng chỉ áp dụng đến ngày 30/6/2019. Như vậy, cơ hội cho việc sử dụng năng lượng tái tạo cho ngành tôm rất rõ nét, nhưng cơ chế khuyến khích còn hạn chế, chưa quy định cụ thể về năng lượng tái tạo cho ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung.
Để tạo thuận lợi cho sự phát triển bền vững hệ thống năng lượng mặt trời trong nuôi tôm, rất cần sự hợp tác đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, khách hàng trong và ngoài nước để cấp điện cho sản xuất. Bên cạnh đó, cần sớm có chính sách từ Bộ Công thương về các phương thức sử dụng năng lượng mặt trời để người nuôi tôm có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời và bán điện cho Nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Công thương cần ban hành chính sách, hướng dẫn rõ ràng về việc hòa lưới, mua điện mặt trời từ các nguồn khác nhau để người nuôi tôm có thể lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và bán điện cho lưới điện quốc gia.