Thanh Tùng là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất của huyện Đầm Dơi. với 324/2.463 hộ, và là xã vùng sâu thuộc Chương trình 135 nên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua, nhiều hộ đồng bào vẫn còn gặp khó khăn do thiếu tư liệu sản xuất. Nhờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc nên cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc Khmer đang dần ổn định hơn. Đặc biệt là nhiều hộ đã có ý thức làm ăn vươn lên nên đời sống của bà con khởi sắc hơn. Số hộ đồng bào dân dộc Khmer khá, giàu tăng lên.
Trong dịp Tết này, Hội LHPN xã nhận làm mẹ đỡ đầu đến thăm, chúc Tết và tặng quà các em dân tộc Khmer đón Tết vui tươi, đầm ấm.
Trước đây, cuộc sống gia đình ông Thạch Che, Ấp Tân Điền B thuộc diện khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nuôi sò huyết kết hợp trong vuông nuôi tôm. Phấn đấu lao động vượt khó, nên gia đình ông đã nhanh chóng thoát nghèo.
Nhiều năm nay, mở rộng diện tích đất sản xuất lên được 3 ha, áp dụng mô hình nuôi đa con nên đã nâng cao thu nhập từ 150 – 200 triệu đồng/năm, gia đình ông Che vươn lên khá giả trong vùng. Ông Thạch Che được bà con tín nhiệm là người uy tín trong đồng bào dân tộc. Mỗi năm đến Tết Chôl Chnăm Thmây, ông Thạch Che cùng bà con đồng bào (Ban Quản trị Salatel ấp Tân Điền B) đều tất bật chuẩn bị dọn dẹp, trang trí thật sạch, đẹp, trang trọng để bà đến đây thực hiện các nghi thức cúng lễ, vui chơi, tạo nên không khí ngày Tết cổ truyền thật ý nghĩa, vui tươi, hạnh phúc.
Năm đầu tiên, các chị em đồng bào dân tộc Khmer luyện tập để biểu diễn văn nghệ đón mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.
Ông Thạch Che chia sẻ: “Vào dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, mỗi gia đình sau khi chuẩn bị chu đáo sửa soạn nhà cửa, trang hoàng bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật để chào đón năm mới, chuẩn bị một số bánh dân gian, hoa quả và một số loại thức ăn khác để chuẩn bị đón Tết. Vào các ngày Tết chính, bà con đồng bào sẽ chuẩn bị lễ vật cúng đến Salatel và nhờ sư tụng kinh, thực hiện nghi thức chịu tuổi, cầu mong mọi điều tốt đẹp, bình an trong năm mới”.
Do cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, bà con bận rộn với lao động sản xuất, một số nghi thức, hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer đã tiết giản hơn. Những nghi lễ, phong tục quan trọng thì vẫn được lưu giữ nhằm bảo tồn, lưu giữ và giáo dục những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ.
Là hội viên phụ nữ ấp Tân Điền B, bà Sáu Mao (Hữu Thị Mao) từng biểu diễn nghệ thuật Samaki gần 10 năm, nên dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay, bà truyền lại cho chị em phụ nữ dân tộc thế hệ trẻ trong xóm.
Bà con đến Salatel chuẩn bị các lễ vật để thực hiện cầu an.
Bà Sáu chia sẻ: "Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên các chị em phụ nữ có dịp được múa những điệu múa cổ truyền của dân tộc mình. Sau gần 10 ngày tập luyện, các chị em đã thành thạo những điệu múa cơ bản để biểu diễn và góp vui cho bà con đồng bào trong dịp Tết cổ truyền, cũng vừa lưu giữ, phát huy những nét đẹp, giá trị văn hóa của dân tộc".
Ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer ở Cà Mau nói chung và ở xã Thanh Tùng nói riêng trở nên vui tươi, ấm áp hơn khi có sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Tin rằng, trong thời gian tới, đồng bào dân tộc Khmer nơi đây sẽ tích cực xây dựng và phát triển kinh tế, gia đình no ấm, hạnh phúc. Đồng thời, phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, truyền thống đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày càng phát triển./.
Thảo Mơ