Hệ thống camera giám sát giao thông được kỳ vọng sẽ là "liều thuốc" điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông. |
Đây là một biện pháp góp phần đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, làm sao phát huy hiệu quả thực sự của camera giám sát giao thông lại là điều phải suy nghĩ thêm để có hành động cụ thể.
Hệ thống camera giám sát giao thông được kỳ vọng sẽ là "liều thuốc" điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông khi không có lực lượng chức năng, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc tăng cường phạt nguội, hạn chế xử phạt thủ công sẽ đảm bảo được sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ thì Cảnh sát giao thông sẽ không phải ra đường lập chốt để xử phạt nhiều như hiện nay. Hệ thống camera giám sát giao thông sẽ làm nhiệm vụ trực chiến thay cho lực lượng Cảnh sát giao thông. Nói cách khác, các tài xế sẽ ái ngại khi đi trên những tuyến đường có camera giám sát vì không muốn bị phạt nguội. Nghĩa là, tình hình an toàn giao thông mong muốn được cải thiện, bằng cách đánh trực tiếp vào túi tiền của người cầm lái.
Một nguồn kinh phí không nhỏ sẽ được dành để lắp đặt hệ thống camera giám sát, nhưng kết quả thu hoạch như thế nào? Nếu gắn camera trên các tuyến đường chỉ để phạt nguội thì e rằng hơi miễn cưỡng. Bởi lẽ, mục đích chính của một đề án đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật giao thông là để nâng cao giá trị bảo đảm an toàn giao thông, chứ không phải mưu cầu nguồn lợi tài chính. Cảnh sát giao thông không phải đơn vị làm kinh tế, và số tiền nộp phạt từ hành vi sai phạm của tài xế dù lớn hay nhỏ ra sao cũng không phải sự chờ đợi của xã hội.
Để hệ thống camera giám sát giao thông đáp ứng đúng kỳ vọng từ người tham gia giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cần xây dựng thêm quy chế xử lý kết quả thông tin. Những trạm tiếp nhận hình ảnh camera không thể và không nên làm một việc duy nhất là sao lưu bằng chứng để phạt nguội, mà cần thêm thao tác nghiệp vụ để các tuyến đường được thông suốt. Có camera thì không cần phải đợi tin báo của quần chúng nữa, mà Cảnh sát giao thông phải chủ động triển khai nhiệm vụ. Ví dụ, khi phát hiện qua camera ở điểm A xảy ra tai nạn giao thông thì điều phối lực lượng ra sao, để cấp cứu nạn nhân và phân luồng di chuyển cho xe cộ một cách nhanh nhất. Hơn nữa, cần cụ thể về trách nhiệm nhân viên công vụ, khi có sự cố tắc đường thì trong vòng bao nhiêu phút phải có Cảnh sát giao thông đến hiện trường. Thật phi lý, khi có hệ thống camera giám sát dày đặc mà sự ùn ứ vì nguyên nhân nào đó lại kéo dài hàng giờ khiến người tham gia giao thông mệt mỏi và chán chường.