Quốc hội cần thêm nhiều đại biểu là doanh nhân. Trong ảnh: Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam),ịtrườngrấtcầntiếngnóidoanhnhâty le keotv một trong số ít đại biểu Quốc hội là doanh nhân. |
Nhiều doanh nhân 8x lần đầu ứng cử
Ngày 27/4 vừa qua, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã công bố danh sách chính thức 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước.
Trong danh sách này, có 17/18 ủy viên Bộ Chính trị, 101 ủy viên Trung ương, nhiều lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố, đại diện các ngành, các giới và đương nhiên không thiếu các ứng viên là doanh nhân.
Theo dự kiến ban đầu về cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là 7 đại biểu (1,4%). Để bầu được số lượng này, tất nhiên số ứng viên được giới thiệu phải nhiều hơn, tùy vào sự lựa chọn, hiệp thương giới thiệu nhân sự và cả sự sẵn sàng tham gia ứng cử của các doanh nhân được lựa chọn.
Kết quả, trong 868 ứng viên chính thức có hơn 30 doanh nhân và đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong số này có một số vị là đại biểu đương nhiệm tái ứng cử, một số vị từng là đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII, bên cạnh các ứng viên là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, thì có 22 doanh nhân ở vị trí lãnh đạo công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên.
Đáng chú ý, trong 9 người tự ứng cử vào danh sách chính thức, có hai doanh nhân. Một người khá quen thuộc với cử tri cả nước bởi là đại biểu rất chăm phát biểu ở Quốc hội khóa XIII. Đó là ứng viên Trần Khắc Tâm, sinh năm 1972, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó chủ tịch Hội đồng Các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùngViệt Nam. Nơi làm việc của ông Tâm là Công ty TNHH Trần Liên Hưng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Người thứ hai là bà Khương Thị Mai, sinh năm 1966, là Giám đốc điều hành Công ty TNHH nhôm Namsung Việt Nam, tự ứng cử tại Nam Định.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, bà là một trong 2 đại biểu tự ứng cử và trúng cử, cũng là một doanh nhân của tỉnh Nam Định.
Trong số các doanh nhân lần đầu ứng cử, có khá nhiều người thuộc thế hệ 8X, nằm trong cơ cấu ứng cử viên trẻ tuổi (dưới 40 tuổi). Tại TP.HCM có ứng viên Trịnh Chí Cường, sinh năm 1982, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Đại Đồng Tiến. Đà Nẵng có doanh nhân Nguyễn Thị Thùy Thuận, cũng sinh năm 1982, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại HTSafbel. TP. Cần Thơ có ứng viên Nguyễn Thị Kim Thoa, sinh năm 1987, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Abavina.
Tại Bến Tre có doanh nhân Ngô Tường Vy, sinh năm 1986, là Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bến Tre. Ứng cử tại Đồng Tháp có doanh nhân Nguyễn Thúy Kiều, sinh năm 1984, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ba Tre, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ khởi nghiệphuyện Tam Nông.
Cũng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có ứng viên Phạm Tiến Hoài, sinh năm 1981, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chế biến nông sản Tiến Thịnh và Công ty TNHH một thành viên Thực phẩm Hạnh Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang.
Tiếng nói của doanh nhân rất quan trọng
Bao nhiêu doanh nhân sẽ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đó vẫn còn là một ẩn số. Nhưng, có một thực tế là không chỉ giảm đi về số lượng, mà dấu ấn tại nghị trường của doanh nhân trong vài nhiệm kỳ gần đây cũng mờ nhạt hơn, chưa kể một số vị có vi phạm không được xác nhận tư cách đại biểu hoặc bị bãi nhiệm.
Lý giải về việc có nhiệm kỳ Quốc hội, số doanh nhân là đại biểu đã lên tới gần 40 người, nhưng ngày càng ít doanh nhân tham gia Quốc hội, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, trên thực tế có nhiều doanh nhân có tên tuổi được Mặt trận Tổ quốc vận động tham gia ứng cử, nhưng họ từ chối.
“Đợt này, Mặt trận Tổ quốc cũng vận động một số doanh nhân có tiếng, thì các anh ấy nói không dám vào vì nếu toàn tâm, toàn lực làm đại biểu thì doanh nghiệp của họ sẽ “chết” ngay. Ngược lại, có những doanh nhân rất muốn ứng cử, song lại không đủ tiêu chuẩn”, ông Túc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
Cũng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời là lãnh đạo tổ chức đại diện cho giới doanh nhân, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) giải thích, những năm gần đây, cơ cấu định hướng doanh nhân là đại biểu chỉ quanh con số 6 - 7 người. Sau đó, số doanh nhân tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội nhiều hay ít chủ yếu phụ thuộc vào sự giới thiệu của các địa phương.
Ông Lộc cũng nêu thực tế khi được vận động tham gia ứng cử thì một số doanh nhân nói rằng, họ chọn cách tham gia đóng góp cho đất nước bằng chính sự nghiệp kinh doanh của mình, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách và lựa chọn này đáng được tôn trọng. Nhưng cũng có doanh nhân mong muốn làm đại biểu dân cử, cả ở Quốc hội hoặc Hội đồng Nhân dân các cấp để có tiếng nói đóng góp xây dựng thể chế, chính sách, và đó cũng là nguyện vọng chính đáng.
“Lúc này, nền kinh tếnhiều bất định, doanh nhân muốn toàn tâm, toàn ý chống chọi với đại dịch Covid-19 và chống đỡ khó khăn của thị trường, giữ việc làm cho người lao động, điều đó là chính đáng. Trong cộng đồng doanh nhân có những quan điểm khác nhau về ưu tiên lúc này và đều đáng tôn trọng cả”, ông Lộc nêu quan điểm.
Từ trải nghiệm của người đã tham gia Quốc hội liền 4 nhiệm kỳ, Chủ tịch VCCI khẳng định, dù số lượng đại biểu - doanh nhân mỗi khóa có khác nhau, song tiếng nói của đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong cơ quan lập pháp là rất quan trọng.
“Nghị quyết của Đảng đã xác định phát triển kinh tế là trung tâm, Quốc hội là nơi đưa ra quyết sách quan trọng tầm quốc gia về kinh tế, về hội nhập thì tiếng nói của doanh nhân rất quan trọng vì họ am hiểu rất sâu sắc trong lĩnh vực này”, ông Lộc phân tích.
Chi tiết đơn vị bầu cử của lãnh đạo cấp cao
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phân bổ ứng cử ở đơn vị bầu cử số 1 của Hà Nội, gồm các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Số ứng viên là 5 người, được bầu 3 người. Cùng đơn vị bầu cử số 1 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ông Nguyễn Trúc Anh (Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội), Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt (Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô), bà Nguyễn Thị Hà Tuyên (Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ) và ông Vũ Tiến Vượng (nghiên cứu viên Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 10 của TP.HCM, gồm hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Số ứng viên là 5 người, được bầu 3 đại biểu. Cùng đơn vị bầu cử với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn có 4 ứng viên: ông Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam); ông Nguyễn Thanh Hiệp (Phó bí thư Đảng ủy Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch); bà Nguyễn Thị Lệ (Chủ tịch HĐND TP.HCM) và Thiếu tướng Phan Văn Xựng (Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 của TP. Cần Thơ, gồm các huyện Ninh Kiều, Cái Răng và Phong Điền. Số ứng viên là 5 người, được bầu 3 đại biểu. Cùng đơn vị với Thủ tướng Phạm Minh Chính là các ứng viên: bà Dư Thị Mỹ Hân (Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố); ông Đào Chí Nghĩa (Bí thư Thành đoàn TP. Cần Thơ), bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Giám đốc điều hành Công ty cổ phần sản xuất thương mại Abavina) và ông Nguyễn Văn Thuận (Giám đốc Công an TP. Cần Thơ).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3 của TP. Hải Phòng, gồm các quận Kiến An, Dương Kinh và các huyện An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Số ứng viên là 5 người, được bầu 3 đại biểu. Cùng đơn vị bầu cử với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn có các ứng viên: ông Vũ Thanh Chương (Giám đốc Công an TP. Hải Phòng); ông Đỗ Mạnh Hiến (Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng); bà Nguyễn Thị Lan Hương (Chủ tịch Hội phụ nữ Công an Thành phố) và bà Nguyễn Hồng Vân (Trường đại học Hàng Hải Việt Nam).