Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước trong 8 tháng năm 2024 đạt thấp. Ảnh tư liệu |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công (ĐTC) kế hoạch năm 2024 trong 8 tháng qua của cả nước là 274.501 tỷ đồng, đạt 37,01% kế hoạch (741.609 tỷ đồng), đạt 40,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (677.944,6 tỷ đồng), thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt 39,55% kế hoạch và đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân bằng 0%Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, trong 8 tháng qua có 13 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn tới 31 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của nước. Đặc biệt, vẫn còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân bằng 0%. |
Nguyên nhân của việc giải ngân chậm vẫn là những khó khăn, vướng mắc đến nay chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng (GPMB) và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA; vướng mắc do nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nên không thể giải ngân...
Đơn cử như tại Đồng Nai, ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh đã phối hợp với các chủ đầu tư tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất địa phương đang phải đối mặt chính là công tác bồi thường, GPMB, theo đó, tỷ lệ giải ngân trong 8 tháng qua của tỉnh mới đạt trên 33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo báo cáo của tỉnh này, hầu hết các dự án đều thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân, do đó, muốn thực hiện nhanh GPMB là một việc rất khó, vì nhiều hộ gia đình bị giải tỏa trắng phải bố trí tái định cư. Trong khi đó, tại nhiều địa phương của tỉnh hiện không có sẵn khu tái định cư để di dời người dân đến đó.
Tại Phú Yên, công tác bồi thường, GPMB tại các địa bàn có dự án chưa được giải quyết triệt để cũng kéo tỷ lệ giải ngân của tỉnh này đạt thấp. Đơn cử như dự án tuyến đường giao thông từ Cảng Bãi Gốc (Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) được bố trí nguồn vốn ĐTC năm 2024 rất lớn với 572,853 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương là 427,155 tỷ đồng (kể cả vốn năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài sang năm 2024 là 38,155 tỷ đồng), vốn ngân sách tỉnh là 145,698 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Ban Quản lý của dự án, từ đầu năm đến nay, khối lượng thi công mới chỉ đạt khoảng 35 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc chậm thi công được xác định là chưa hoàn thành GPMB. Ngoài ra, tỉnh Phú Yên cũng đang gặp khó khăn do nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, việc thu ngân sách từ nguồn thu quyền sử dụng đất tại địa phương không đảm bảo đã ảnh hưởng đến việc giải ngân của các dự án…
Tỷ lệ giải ngân thấp trong những tháng đầu năm và sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm đã trở thành đặc thù của ĐTC. Tuy nhiên, hiện chỉ còn chưa đầy 4 tháng mà lượng vốn cần giải ngân còn tới gần 2/3.
Trong khi đó, tại Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC được ban hành ngày 8/8 vừa qua, mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của cả nước đạt trên 95% tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ “nhắc lại” để các bộ, ngành, địa phương phấn đấu hoàn hành, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm. Thực hiện nghiêm yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương đang tiếp tục đưa ra các giải pháp mạnh để chạy đua trong giải ngân từ nay đến cuối năm.
Bắc Ninh là một trong những địa phương đang có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC thấp. Theo tổng hợp từ Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 8, toàn tỉnh giải ngân được trên 1.866 tỷ đồng, đạt 21,8% kế hoạch vốn giao (trên 8.558 tỷ đồng). Do đó, với thời gian từ nay đến cuối năm, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan, chủ đầu tư các dự án định kỳ hàng tuần, hàng tháng phải kiếm đếm tiến độ; giám sát, đôn đốc nhà thầu; vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách theo hướng thuận lợi cho người dân trong GPMB. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư đưa ra mốc thời gian cụ thể để hoàn thành GPMB. Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng đang tập trung xây dựng các khu tái định cư làm đòn bẩy cho công tác GPMB.
Cũng nằm trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp khi đến nay mới có hơn 18,1% kế hoạch vốn được thanh toán, TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện ngay trong tuần đầu của tháng 9 này phải cập nhật lại nhiệm vụ giải ngân đến cuối tháng 9, 10, 11, 12 và sang tháng 1 năm sau là bao nhiêu và điều hành từng dự án, từng tháng. Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện giao nhiệm vụ cho từng ban, từng tổ dự án và chịu trách nhiệm về việc đó.
Trong số các bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải đang có tỷ lệ giải ngân cao với 50,5% kế hoạch vốn đã được hấp thụ vào các dự án, công trình. Tuy nhiên, cũng theo bộ này, nhiệm vụ giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024 sẽ vẫn tiềm ẩn thách thức khi một số dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, vướng mắc trong công tác đền bù GPMB, di dời hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mỏ vật liệu xây dựng tại một số dự án đến nay chưa xử lý dứt điểm, điều kiện thời tiết bất lợi cuối năm…
Do đó, để đảm bảo yêu cầu giải ngân hết nguồn vốn được phân bổ năm nay, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thực hiện nghiêm chỉ đạo liên quan đến công tác giải ngân vốn của Thủ tướng Chính phủ cũng như của bộ này đề ra./.