Sinh ra ở thị trấn Cái Đôi Vàm, nhưng theo cha mẹ mưu sinh, lớn lên ở Sóc Trăng, Quy muốn sớm kiếm nghề để học và làm, không muốn cha mẹ vất vả nuôi ăn học. Khăn gói lên TP Hồ Chí Minh học nghề hớt tóc từ khi mới 19 tuổi, thông thường, học viên phải mất 7 tháng mới đuộc cấp chứng chỉ, nhưng nhờ có năng khiếu và đam mê, nên chỉ sau 5 tháng Quy đã hoàn thành khoá học và trở thành thợ chính.
Sau 2 năm làm việc, Quy dành dụm được số vốn và quyết định tự mở cửa tiệm hớt tóc của riêng mình ở TP Hồ Chí Minh, sau đó trở về quê mở Salon tóc mang tên Bill Trần hơn 2 năm nay.
Với tiêu chí: tiệm tóc vui vẻ, tận tâm, sáng tạo, thân thiện và hiện đại, 7 năm trong nghề, Quy nhận đào tạo các bạn trẻ trong vùng đến học nghề, chia sẻ bằng tất cả kiến thức, kinh nghiệm và niềm đam mê, yêu nghề của mình cho các em. Doanh thu mỗi tháng của cửa tiệm khoảng 20 triệu đồng, sau khi trừ chi phí và trả lương cho các bạn, Quy vẫn có khoản thu và tích luỹ riêng, ấp ủ thực hiện những dự định “lạ đời”. Từ đó, những chuyến đi cắt tóc miễn phí được thực hiện.
Thấy nhiều xã, ấp có đường đi lại còn xa xôi, cách trở, Quy quyết định đến những nơi đó mở điểm hớt tóc miễn phí, để bà con đỡ phải đi xa hớt tóc. Nếu đến tiệm hớt tóc bình thường, dù hớt kiểu tóc đơn giản cũng từ 20.000-50.000 đồng, nhưng đến đây, tất cả mọi người đều có được kiểu tóc ưng ý với giá 0 đồng.
Chàng thanh niên 9X Trần Hoàng Quy (chủ tiệm Hair Salon Bill Trần) luôn chăm chút, để tất cả mọi người đều có được kiểu tóc ưng ý với giá 0 đồng. |
Quy nói: “Những nơi tụi em chọn mở điểm cắt tóc miễn phí chủ yếu là những ấp xa xôi, điều kiện, đường lộ đi lại của bà con còn khó khăn. Những người đến đây hớt tóc đa phần là những cô, chú, bác nông dân, người lớn tuổi và trẻ con. Họ không cầu kỳ kiểu cọ mô-đen, mà chỉ muốn có kiểu tóc gọn gàng, phù hợp với cuộc sống nông thôn, nên đồ nghề đem theo cũng đơn giản và gọn nhẹ. Mỗi chuyến đi là tụi em dành nguyên một ngày để cắt tóc miễn phí. Đông nhất là buổi sáng, gần trưa thì khách thưa dần. Nhóm thường mang theo nước uống, mì ly, bánh ngọt để ăn trưa. Đến hơn 4 giờ chiều, không còn khách nữa thì tụi em dọn dẹp, trở về tiệm”.
Điểm đến cắt tóc miễn phí trong tháng 4 là ấp Cái Cám, xã Tân Hải. Bắt đầu xuất phát ở tiệm, đi từ 8 giờ sáng, đường lộ nông thôn gập ghềnh, xa xôi, đến nơi đã gần 9 giờ. Các bạn nhanh chóng treo băng rôn trước cổng trụ sở ấp để bà con đi qua nhận biết và ghé lại. Dù nắng, mưa hay mệt, nhưng các bạn trẻ vẫn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết với công việc ý nghĩa.
“Đến nay, nhóm đã cắt tóc miễn phí cho hơn 50 người rồi. Trung bình mỗi điểm sẽ ở lại từ 3-4 tuần, nếu nhu cầu nhiều thì sẽ ở lại tiếp, đến khi nào thấy bà con không còn nhu cầu thì di chuyển đến điểm khác. Tôi có đăng trên mạng xã hội, nhóm khu vực huyện Phú Tân để mọi người có thể chia sẻ, giới thiệu cho bà con biết đến hoạt động của mình, hoặc cho mình biết ở khu vực nào có bà con đang gặp khó khăn về đi lại thì mình sẽ đến đó khảo sát và mở điểm cắt tóc miễn phí”.
Ông Bông Văn Lil, Trưởng ấp Cái Cám, đồng tình: “Việc làm của các bạn trẻ này rất có ý nghĩa, được cắt tóc miễn phí tận nơi như thế này, đối với người dân nông thôn rất đáng quý”.
Chỉ với những vật dụng đơn giản, vài chiếc ghế nhựa, một hộp đồ nghề, áo choàng… là các bạn trẻ có thể vào việc ngay. Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, giá cả mọi thứ lại tăng, nên khi đến với “Tiệm cắt tóc di động 0 đồng”, mọi người được sửa soạn làm đẹp mái tóc của mình hàng tháng mà không mất tiền, là niềm vui nho nhỏ của không ít người ở vùng quê xa xôi này.
Được thông báo từ hôm trước, nên sáng sớm hôm sau, bà Phạm Thị Nguyệt (72 tuổi, ấp Cái Cám) lụm khụm dẫn theo hai đứa cháu nội và cháu ngoại 7 tuổi đến điểm cắt tóc miễn phí. Bà Nguyệt cười tươi: “Trước khi cắt tóc thì được tư vấn và hỏi xem mấy bà cháu muốn cắt kiểu tóc gì. Dù là cắt tóc miễn phí nhưng rất đẹp và các cháu tiếp đón mình rất vui vẻ, tận tâm, nhiệt tình. Bà cháu tui rất vui và cảm ơn các cháu rất nhiều”.
Hiện tiệm tóc của Quy có 6 thợ và học viên. Tất cả các bạn đều tự nguyện, nhiệt tình tham gia những chuyến đi cắt tóc miễn phí từ những ngày đầu đến nay mà không vắng bạn nào.
Nguyễn Văn Hoà, 17 tuổi, theo học nghề và làm thợ cắt tóc hơn 2 năm nay, chia sẻ: “Em chọn nghề cắt tóc vì vừa đam mê, vừa muốn có nghề nghiệp ổn định phụ giúp gia đình và nuôi em đi học. Anh Quy chỉ dạy nghề cho tụi em rất tận tình. Và còn tổ chức đi cắt tóc miễn phí cho bà con, em thấy rất ý nghĩa nên em đi theo phụ giúp và cũng là học hỏi thêm nhiều điều hay”.
Mặc dù mỗi tuần dành ra thứ Hai để đi cắt tóc miễn phí cho bà con sẽ làm giảm bớt doanh thu của tiệm, nhưng Quy cho rằng phần lợi nhuận đó không đáng là bao. Những khách hàng cũng biết về hoạt động của Quy nên vẫn sẽ ghé tiệm sử dụng dịch vụ vào những ngày khác trong tuần.
Đều đặn thứ Hai hàng tuần, nhóm của Quy đều đến trụ sở các ấp để hớt tóc miễn phí cho bà con. |
Quy bộc bạch: “Học nghề tóc quan trọng nhất là nắm vững lý thuyết, thực hành nhiều thì sẽ mau lành nghề, thứ hai là năng khiếu. Những chuyến đi này giúp các bạn có thêm trải nghiệm, nâng cao tay nghề và cảm nhận công việc của mình có ý nghĩa hơn. Tôi muốn duy trì hoạt động này lâu dài và sẽ kết nối với những chủ tiệm khác cùng hoặc khác địa bàn để thực hiện nhiều điểm cắt tóc miễn phí hơn”.
“Nếu là con chim, là chiếc lá/ Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh/Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Những câu thơ của Nhà thơ Tố Hữu nhắc nhở rằng ai cũng trải qua quãng đời tuổi trẻ. Và tuổi trẻ có tươi đẹp, có ý nghĩa hay không tuỳ thuộc vào sự lựa chọn, suy nghĩ và hành động của mỗi người. Những việc làm tử tế, vì xã hội, vì cộng đồng không phải là điều gì quá lớn lao, mà từ những việc nhỏ nhoi, đơn giản nhất, cũng làm cho cuộc đời này thêm ý nghĩa và đáng sống./.
Thảo Mơ