Mới gói gọn trong 'ăn' và 'chơi'
3 năm gần đây, các trung tâm du lịch lớn (hub) của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng,... nỗ lực kích hoạt và phát triển các loại hình kinh tế ban đêm thông qua các khu chợ đêm, phố ăn đêm, chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24h, tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật như: Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện, Nguyễn Huệ (TP.HCM), Bà Nà Hills (Đà Nẵng)...
Trong đó, Đà Nẵng gây ấn tượng hơn cả với các chương trình nghệ thuật đường phố, lễ hội carnaval rầm rộ, những show diễn thực cảnh, màn thi bắn pháo hoành tráng được duy trì và nâng tầm,... Thành phố cũng mở thêm không gian phố đi bộ An Thượng, bãi biển đêm Mỹ An, thêm trình diễn phun nước/lửa cho cầu Rồng vào thứ Sáu ngoài hai ngày cuối tuần...
Nhờ đó, lượng khách nội địa đến Đà Nẵng tăng trưởng ấn tượng và vượt cả cao điểm 2019, khách quốc tế đạt 70-80% kế hoạch năm.
Đáp ứng nhu cầu tăng cao về chỗ vui chơi, giải trí, mua sắm cho khách về đêm, tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đêm đến năm 2030, giai đoạn đầu sẽ hình thành phố đi bộ, show diễn; phố chuyên ẩm thực, quán bar, pub ven biển; thể thao biển; vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đóng cửa muộn hơn,...
Tiếp nối, tỉnh Lâm Đồng cũng ký ban hành kế hoạch triển khai mô hình thí điểm phát triển kinh tế đêm ở TP. Đà Lạt.
Sự quan tâm, đầu tư của các hub vào hệ thống dịch vụ, sản phẩm du lịch đêm được kỳ vọng sẽ thu hút và giữ chân khách ở lâu hơn, mua sắm chi tiêu nhiều hơn, đem lại nguồn thu cho địa phương.
Tuy nhiên, dễ nhận thấy là ngay cả Hà Nội hay TP.HCM, những con phố vui chơi về đêm như Tạ Hiện hay Bùi Viện, Nguyễn Huệ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mọi hoạt động vui chơi - giải trí chỉ gói gọn trong các hàng ăn, quán nhậu vỉa hè hay bar, pub, đi bộ... Chợ đêm toàn bày bán hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Du khách ít có sự lựa chọn. Nguồn thu vì vậy không đáng kể.
Daniel Thanh, Việt kiều Đức (35 tuổi) cùng bạn là người nước ngoài về Việt Nam du lịch cũng cảm thấy hụt hẫng khi dẫn cả nhóm khám phá, tận hưởng Hà Nội về đêm.
“Buổi tối tôi chỉ biết cùng bạn dạo một vòng Bờ Hồ, ăn kem Tràng Tiền; muộn hơn thì lê la phố bia Tạ Hiện hoặc lên bar, ngoài ra không biết chơi gì, mua gì. Ăn uống chỉ có vậy, điểm vui chơi thì ít, cửa hàng mua sắm đóng cửa sớm,... Chắc chán, nhóm bạn tôi năm nay rủ nhau đi Thái Lan”, Daniel Thanh kể.
Ghi nhận sự cố gắng của Thủ đô trong việc tạo sản phẩm mới như tour đêm Giải mã Hoàng Thành Thăng Long, tour Đêm Linh thiêng Hỏa Lò, song, các công ty lữ hành thừa nhận hầu hết các hoạt động đều kết thúc trước 22h. Việc mở thêm phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Hồ Tây), phố đi bộ kết hợp ẩm thực mới tại thị xã vùng ven Sơn Tây,... kỳ vọng mang đến sự tươi mới, nhộn nhịp về đêm nhưng khách vẫn èo uột, hàng ăn đóng cửa tắt đèn trước 23h.
Quan niệm “kinh tế đêm” là tất cả những hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống từ sau 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation, cho rằng, đó không phải tự phát mà phải được quy hoạch bài bản theo từng khu vực.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), ông Johnathan Hạnh Nguyễn, cũng nhận xét, khái niệm kinh tế đêm chưa được định nghĩa một cách thấu đáo tại Việt Nam, mà chỉ hiểu đơn giản rằng đó là ăn và chơi. Thế nên, các hoạt động giải trí buổi tối đang bị bó hẹp trong không gian phố đi bộ, chợ đêm hoặc vũ trường.
Bỏ trống mảng mua sắm
Theo các chuyên gia du lịch, phát triển kinh tế đêm cần đáp ứng đầy đủ 3 cấu phần: vui chơi, ăn uống và mua sắm. Tuy nhiên, tại hội thảo ‘Mở visa, phục hồi du lịch’ mới đây, ông Johnathan Hạnh Nguyễn phân tích, Việt Nam chưa quan tâm đầy đủ đến nút thắt tăng chi tiêu của khách. Chúng ta thiếu những sản phẩm giá trị, đa dạng để khách mua sắm, thiếu địa điểm cụ thể để khách tiêu tiền.
Trong khi, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, 70% chi tiêu của khách tập trung vào ban tối.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận xét, mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng về số lượng khách, nhưng chất lượng và dịch vụ cần được xem xét nghiêm túc. Tổng khách của chúng ta chỉ bằng 50% Thái Lan và mức độ chi tiêu của khách quốc tế chỉ bằng 40%.
Tương tự, nếu so sánh với Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, tổng mức chi tiêu của khách đến Việt Nam còn thấp hơn.
Khảo sát Thái Lan, Singapore và đảo Hải Nam (Trung Quốc) - những điểm đến tương đồng Việt Nam nhưng du lịch phát triển vượt trội, ông dẫn chứng, Singapore tuy diện tích chỉ ngang đảo Phú Quốc, hạn chế về thiên nhiên nhưng chính sách miễn thuế đã giúp quốc đảo này trở thành thiên đường mua sắm. Nhờ đó, tổng chi tiêu trung bình của một du khách ở Singapore cao gấp nhiều lần so với Việt Nam.
Hay tại Thái Lan, du lịch mua sắm đã góp tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28,2%.
Đảo Hải Nam (Trung Quốc) có trung tâm mua sắm miễn thuế lớn nhất thế giới, với khoảng 800 thương hiệu, phân bổ khắp đảo.
Còn nước ta, đến nay vẫn chưa có hệ thống cửa hàng miễn thuế (mới có ở sân bay), chưa có các trung tâm outlet giảm giá sâu 50-90% để hút khách mua sắm.
Vì thế, huống chi khách quốc tế, ngay cả Việt Nam không ít người cũng chọn đi du lịch nước ngoài để tranh thủ mua sắm. Đến Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản, khách Việt vét nhẵn những đồng tiền cuối cùng, quẹt thẻ tín dụng để mua hàng hóa là thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm bổ dưỡng...
Điển hình tại Hàn Quốc, năm 2022, du khách Việt Nam trở thành những người chi tiêu nhiều nhất tại quốc gia này. Giao dịch thẻ bình quân đầu người của khách Việt khi mua sắm tại Hàn là khoảng 197.000 won (hơn 3,5 triệu đồng), vượt cả khách Nhật với 188.000 won (3,3 triệu đồng) và khách Trung Quốc 171.000 won (3 triệu đồng),...
Rõ ràng, Singapore, Thái Lan hay Hàn Quốc rất biết cách đón bắt tâm lý và chiều lòng du khách khi tạo ra những sản phẩm khác biệt, nhất là trong vui chơi, giải trí và mua sắm về đêm, khiến khách quốc tế tự nguyện móc ví - điều mà ngành du lịch nước ta cần học hỏi.
Kiều Oanh và nhóm PV, BTV