Trong mấy ngày qua,ếuhnghathiếtyếbxh fifa thế giới sức mua tại các siêu thị, cửa hàng, các chợ đã tăng, nhất là gạo, mì gói, trứng và nhiều loại thực phẩm tươi sống khác. Tuy vậy, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trên địa bàn tỉnh khẳng định hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo đầy đủ, không lo thiếu hàng.
Đoàn kiểm tra tại tổng kho phân phối hàng hóa đặt tại Hậu Giang.
Chuẩn bị sẵn sàng khi sức mua tăng
Từ ngày 7-7, lượng khách vào mua sắm tại các siêu thị đã rục rịch tăng. Tại một cửa hàng bách hóa trên địa bàn thành phố Vị Thanh mấy ngày qua tuy khách không ồ ạt, nhưng lượng khách tăng lên so với ngày thường, đều ở các khung giờ chứ không tập trung vào giờ tan tầm hay cuối tuần như trước.
Bà Võ Thị Lý, ở phường III, thành phố Vị Thanh, tay xách 2 túi gạo 5kg, cho biết: “Ở nhà vẫn còn nhưng vẫn mua thêm cho yên tâm. Ngoài gạo sẽ mua thêm một số đồ khô, đồ hộp chủ yếu để phòng khi không đi chợ thường xuyên, hạn chế ra ngoài trong mấy ngày”. Có cùng suy nghĩ này nên các loại gạo, mì gói được chọn mua rất nhiều. Ngoài ra, thực phẩm tươi sống cũng đắt hàng khi nhân viên tại ngành hàng này của Siêu thị Co.opMart Vị Thanh cho biết trong mấy ngày qua đơn hàng đặt qua điện thoại cho các loại đồ tươi tăng gấp 2-3 lần so với bình thường.
Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Vị Thanh, khẳng định: Siêu thị đang tập trung vào các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tăng trong thời điểm này như lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến các loại, các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch, sẽ không thiếu các mặt hàng thiết yếu cung cấp cho người dân tuy thời gian vận chuyển có chậm hơn do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở các chốt kiểm soát. Ngoài trữ lượng hàng hóa trong kho tại chỗ ở Vị Thanh, còn có tổng kho khu vực miền Tây của Saigon Co.op ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, sức dự trữ 1.500-2.000 tấn hàng hóa, tương đương 70 tỉ đồng phân phối hàng hóa cho 15 siêu thị trong khu vực. Điều này tạo thuận lợi cho siêu thị về thời gian tiếp nhận phân phối hàng hóa.
Mặt khác, đại diện siêu thị này còn cho biết số lượng đơn đặt hàng qua điện thoại, Zalo cũng có xu hướng tăng khi người dân hạn chế ra ngoài. Siêu thị linh hoạt bố trí nhân viên tiếp nhận đơn hàng, xử lý để đảm bảo giao hàng kịp thời, giúp người dân yên tâm mua sắm tại nhà. Nhân viên túc trực để lên hàng cho các quầy kệ linh hoạt, tránh tình trạng để quầy nào hết hàng ở một số mã hàng, bị trống trong thời gian dài, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.
Sở hữu hệ thống 29 cửa hàng bách hóa trải đều ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Cổ phần Thương mại Bách hóa Xanh có tổng lượng dự trữ 2.648 tấn hàng hóa, tương đương 60 tỉ đồng. Đơn vị này cũng có tổng kho tại Hậu Giang với diện tích khoảng 10.000m2 với mức độ tồn kho khoảng 30 ngày, đảm bảo lượng hàng hóa lưu thông liên tục phục vụ người dân. Đại diện một siêu thị lớn tại thành phố Vị Thanh là VinMart chi nhánh Hậu Giang cũng cho biết tuy không có kho đặt tại Hậu Giang nhưng siêu thị vẫn có hàng hóa phân phối từ hệ thống liên tục, dự trữ khoảng 100 tấn hàng hóa tại địa phương với giá trị tương đương 6 tỉ đồng.
Đảm bảo mua sắm an toàn, tránh hoang mang
Tại buổi làm việc với ngành công thương tỉnh, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh cần tăng cường công tác quản lý thị trường, theo dõi và cập nhật thường xuyên tình hình thị trường và cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh để ứng phó với dịch Covid-19. Lưu ý theo dõi sát các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng và các kho dự trữ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Còn theo Sở Công thương tỉnh, các đoàn liên ngành trong thời gian qua ngoài kiểm tra, kiểm soát còn tăng cường tuyên truyền, các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của ngành y tế và cho các đơn vị cam kết nếu có vi phạm về an toàn vệ sinh, đầu cơ, găm hàng… sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cùng với sự vào cuộc, đôn đốc tích cực của ngành chức năng, các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh đều đã kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch, khuyến cáo khách hàng thực hiện thông điệp 5K. Siêu thị còn có phương án bố trí nhân sự các ca riêng biệt, giao ca không tiếp xúc trực tiếp giữa các nhân viên và lên phương án dự phòng khi có trường hợp tiếp xúc với ca nhiễm, nghi nhiễm, đảm bảo không gián đoạn việc cung ứng hàng hóa.
Dù lượng hàng hóa có tăng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, tuy nhiên nếu người dân quá hoang mang và muốn dự trữ nhiều trong thời điểm này, bất chấp tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh khi tập trung đông người mua sắm sẽ khó tránh tình trạng hết hàng cục bộ, càng làm hoang mang và bất ổn thị trường. Khi đổ xô đi mua sắm đông người rất khó duy trì các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, người dân có thể sẽ lo lắng nhưng phải giữ bình tĩnh, theo dõi thông tin, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch và yên tâm khi các điểm bán hàng thiết yếu vẫn hoạt động trong mọi tình huống.
Theo Sở Công thương tỉnh, hiện nay đã có 9 đơn vị, doanh nghiệp tham gia công tác bình ổn thị trường, với tổng số lượng hàng hóa là 8.151 tấn, giá trị khoảng 200 tỉ đồng. Đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cũng triển khai xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân theo 5 cấp độ phòng chống dịch với tổng giá trị trên 400 tỉ đồng. |
Bài, ảnh: THIÊN NGỌC