【ket qua seri a】Tăng cường đào tạo cán bộ vùng dân tộc thiểu số

Báo Cà Mau(CMO) Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vùng dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được các cấp, các ngành quan tâm, nhờ đó từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Lê Quang Hảo cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh uỷ về “Xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giai 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương xây dựng đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức công tác tại 65 xã thuộc vùng DTTS.

Với những nỗ lực trong thực hiện Nghị quyết số 09, đến nay đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vùng DTTS được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 1.430 cán bộ, công chức công tác tại 65 xã thuộc vùng DTTS, trong đó có 351 cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. Cấp tỉnh có 153 người, cấp huyện có 176 người và 22 người cấp xã.

Để có được kết quả trên, giai đoạn 2012-2016, UBND tỉnh đã chủ trì tổ chức 6 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc cho 259 lượt cán bộ, công chức vùng DTTS. Bên cạnh đó, trong 2 năm (2016-2017), Cà Mau tổ chức 12 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 1.178 lượt đại biểu, trong đó có khoảng 188 lượt cán bộ, công chức vùng DTTS.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS tại xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi.

“Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã có chuyển biến tích cực, nhất là trong việc quy hoạch, lập kế hoạch hàng năm. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo đúng đối tượng, góp phần trẻ hoá đội ngũ cán bộ, công chức xã. Qua công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội tại địa phương”, ông Lê Quang Hảo nhận định.  

Dù đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên hiện nay, việc xây dựng đội ngũ cán bộ vùng DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Số lượng người DTTS trong cơ cấu cán bộ, công chức cấp xã chưa đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, quản lý Nhà nước. Ý thức học tập, bồi dưỡng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa cao, chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều sinh viên cử tuyển được đào tạo nhưng khi ra trường lại không xếp được việc, hoặc nhiều trường hợp được xếp việc nhưng khi thi công chức lại không đỗ (do Luật Công chức không có ưu tiên dành cho cán bộ người đồng bào DTTS). Sau 3 năm học Cao đẳng Dược, Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau, tốt nghiệp ra trường nhưng em Âu Tú Ni (ấp Kinh Đứng A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) vẫn chưa có việc làm. Sau khi gửi đơn đến Sở Nội vụ và chờ đợi hơn 9 tháng, Ni quyết định đến Cần Thơ bán thuốc tây với mức lương khởi điểm 4 triệu đồng/tháng. Ông Âu Cang (cha của Âu Tú Ni) chia sẻ, sau gần 9 tháng chờ Sở Nội vụ trả lời về việc bố trí công việc cho con tôi, thấy sở không có ý kiến gì nên tôi cho cháu làm nhân viên tiệm thuốc tây ở Cần Thơ. 

Tại buổi làm việc với Uỷ ban Dân tộc Trung ương vừa qua, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Triệu Quang Lợi kiến nghị: “Chính sách đào tạo, bố trí vị trí việc làm đối với người DTTS cần có sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn. Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực, nên xem xét mở rộng địa bàn cử tuyển; Từ Trung ương đến địa phương nên có sự nhất quán về chính sách ưu tiên, đãi ngộ như chính sách cộng điểm thi, định mức chi trả cho người bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, chính sách hỗ trợ con em học sinh là người DTTS. Công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ là người DTTS cần mang tính chiến lược, lâu dài”./.

Phương Lài