Nhiều cải thiện
| ||
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội |
Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam cho biết, khi DN lựa chọn đầu tư sang lĩnh vực mới, thị trường mới là XK xoài tươi sang Australia đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các cơ quan Trung ương cũng như địa phương như quy hoạch vùng nguyên liệu, kiểm dịch, cấp phép, làm thủ tục XNK… Do đó, việc làm tốt hay không tốt chỉ còn phụ thuộc vào năng lực của DN. Nếu mọi việc vẫn tiếp tục tiến triển như hiện nay, DN sẽ tiếp tục đầu tư sang các loại trái cây khác của Việt Nam cũng như tìm thêm thị trường mới, dù “khó tính” hay “dễ tính” cũng đều có thể đáp ứng được.
Đây cũng là nhận định của khá nhiều DN về môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay khi cho rằng các chính sách đã khá thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Do vậy, các DN phải nâng cao năng lực quản trị, trong đó, điều quan trọng là DN cần thêm những nguồn vốn để hỗ trợ.
Về vấn đề này, đại diện Hợp tác xã (HTX) Gốm Gia Thụy cho biết, UBND tỉnh và huyện đã hỗ trợ kinh phí giúp HTX di dời sản xuất, đào tạo nâng cao tay nghề, giúp DN có thêm nguồn lực và năng lực đầu tư sản xuất sản phẩm mới, tìm kiếm đối tác mới. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, HTX chưa thể mở rộng nhà máy và mở rộng vùng đất nguyên liệu, nên đã không đáp ứng được yêu cầu chất lượng từ đối tác Nhật Bản. Do đó, hợp đồng XK đang buộc phải tạm dừng.
Vẫn cần cơ chế
Nhìn chung, với các DNNVV, nguồn tài chính vẫn là nhu cầu thiết yếu nhất để tăng cường khả năng đầu tư. Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội, các chính sách cải thiện môi trường đầu tư cần ban hành một cách cụ thể, đáp ứng được nhu cầu của 97% DNNVV hiện nay. Tuy nhiên, việc cải thiện về vốn là điều quan trọng nhất bởi phần lớn DNNVV không có tài sản thế chấp, uy tín chưa cao nên vay vốn ngân hàng là vấn đề còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh những khó khăn về tài chính, việc tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các cơ chế chính sách cũng là điều cần thiết. Các cơ chế này bao gồm như: Khả năng tiếp cận đất, mặt bằng sản xuất, quy hoạch vùng nguyên liệu… hay giảm sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành.
Chia sẻ về khó khăn của DN, ông Chu Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Mỹ cho rằng, một số thủ tục vẫn còn vấp phải chuyện liên quan giữa ngành này với ngành khác, khiến DN phải vất vả làm thủ tục sao cho đáp ứng cả 2 bên. Ví dụ như lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, thức ăn sống và thức ăn chính lại là 2 cơ quan kiểm định khác nhau nên không chỉ trong đầu tư mà trong kinh doanh cũng còn nhiều trở ngại. Do đó, các cơ quan cần tính toán làm sao để quản lý được đầy đủ hoạt động của DN nhằm đảm bảo tính răn đe, nhưng vẫn đảm bảo được sự thông thoáng cho hoạt động đầu tư, sản xuất.
Mặt khác, cùng với những bất cập còn tồn tại trong cơ chế, môi trường đầu tư của các DNNVV còn gặp khó ở chính nội tại thị trường. Ông Đàm Quang Thắng cho hay, mặc dù nhận được sự hỗ trợ đến từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, nhưng DN vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm vùng nguyên liệu, làm sao để quy hoạch vùng nguyên liệu tốt nhất, đảm bảo yêu cầu khắt khe của nước NK. Do đó, trong thời gian tới, DN sẽ tiếp tục đầu tư để hình thành chuỗi sản xuất khép kín để tránh rủi ro, không làm ảnh hưởng đến thị trường chung và thương hiệu nông sản Việt.
Nhìn chung, các DNNVV đều mong muốn có một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn, có những ưu tiên cho quy mô DN. Bên cạnh đó, một số quy định trong chính sách cần sự thấu hiểu nhau hơn giữa DN và cơ quan quản lý để 2 bên gặp được nhau, hiểu được khó khăn và vướng mắc của nhau để có sự điều chỉnh cần thiết. Do vậy, DN cần mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình và các cơ quan quản lý cần sự chuyên tâm lắng nghe với thái độ cầu thị, sẵn sàng sửa đổi vì hoạt động của DN.