Vàng cũng không có khả năng hút dòng tiền từ kênh chứng khoán, bởi chứng khoán đang là kênh đầu tư hấp dẫn, cho lợi suất cao hơn nhiều.
Ông giải mã thế nào về cơn “sốt” vàng những ngày vừa qua?
Mãi lực vàng trong dân đang vượt xa hồi đầu năm, dù vẫn chưa thể bằng đợt sốt vàng năm 2012. Tâm lý lo ngại bất ổn gia tăng khi các ngân hàng trung ương in thêm tiền sau sự kiện Brexit và vàng, vốn được xem là hầm trú ẩn rủi ro được lựa chọn. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang nghiên cứu huy động vàng trong dân theo yêu cầu từ Thủ tướng Chính phủ. Đó chính là những nguyên nhân khiến vàng bật tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Ông Phan Dũng Khánh |
Diễn biến hậu Brexit sẽ tiếp tục tác động lên thị trường vàng. Liệu động thái tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có là lực cản đối với vàng trong thời gian tới, theo ông?
Đây là lực cản không hề nhỏ, dù hiện nay giá vàng với USD đi chung, nhưng điều này thường khó mà xảy ra trong dài hạn được. Sự kiện Brexit làm đồng Bảng Anh, Euro giảm giá, làm USD mặc nhiên tăng giá trong khi Fed chưa kịp làm gì cả. Chính vì vậy, Fed có khả năng dời lại thời gian tăng lãi suất và điều này sẽ hỗ trợ giá vàng. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, FED hiện là một trong những ngân hàng trung ương hiếm hoi theo chính sách thắt chặt tiền tệ nên nhiều khả năng vàng về lâu dài đà tăng cũng bị hạn chế từ USD.
Mãi lực vàng thế giới cũng như thị trường nội địa, theo ông, có tăng mạnh trong thời gian tới?
Mãi lực vàng đã tăng từ đầu năm nay khi giá bắt đầu nhích nhẹ, nhưng từ sau sự kiện Brexit mãi lực bắt đầu tăng nhiều hơn dù chưa thể so sánh với năm 2012. Điều này khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá thế giới tăng liên tục đến nay đã gần 3 triệu/lượng. Ngoài ra, yếu tố tâm lý đám đông của những người bán vàng cũng làm giá tăng đột biến. Nhưng phải khẳng định rằng, mãi lực có tăng nhưng cũng không phải quá đột biến.
Sắp tới, nếu giá vàng thế giới tiếp tục tăng, các biện pháp đánh vào tâm lý của người dân của các tay kinh doanh vàng có thể khiến mãi lực kim loại quý này tăng nữa. Bên cạnh đó, yếu tố chính sách cũng sẽ hỗ trợ cho giá trong trường hợp có những chính sách tích cực hơn để huy động vàng.
Trước sức nóng của vàng hiện nay, liệu có hiện tượng nguồn tiền từ chứng khoán đổ sang vàng hay không? Theo ông, có nên chuyển một phần vốn từ chứng khoán sang vàng?
Theo tôi, trong ngắn hạn, khó có khả năng dòng tiền chuyển từ kênh chứng khoán sang vàng, bởi vì giá cổ phiếu hiện nay đang có mức tăng trưởng không kém giá vàng, thậm chí nhiều mã cổ phiếu có mức tăng trưởng giá lên tới cả chục lần như DRH, PTB, LIX, TNT, SHN…Ngay cổ phiếu vàng PNJ từ cuối năm 2015 giá 30.000 đồng/CP nay đã tăng lên 80.000 đồng/CP, tăng cao hơn rất nhiều so với đà tăng của giá vàng.
Vì thế, việc chuyển tiền từ chứng khoán qua vàng không hợp lý về mặt đầu tư. Tuy nhiên, việc phân bổ bớt tỷ trọng sang vàng để đầu tư an toàn là có, nhưng sẽ có phần ngược lại là chuyển từ vàng sang chứng khoán để có mức sinh lời tốt hơn. Vì thế, sẽ không có những dòng tiền ròng đột biến chuyển qua lại giữa hai kênh này.
Vậy theo ông, có nên bỏ vốn vào vàng khi giá đang đà tăng và ở mức cao hơn hiện nay?
Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, người dân nên tránh mua vàng vào những ngày sôi động, bởi lúc này mức chênh lệch giá mua và bán được các doanh nghiệp đẩy lên rất cao, gây rủi ro lớn (khoảng cách chênh lệch giá mua - bán có lúc được đẩy lên gần 1 triệu đồng/lượng). Bên cạnh đó, chênh lệch giá trong và ngoài nước cũng xấp xỉ 3 triệu đồng/lượng sẽ gây rủi ro lớn, đặc biệt cho các nhà đầu tư lướt sóng vì giá phải tăng mạnh mới vượt được chênh lệch giá mua - bán và nếu chênh lệch giá trong nước với thế giới trở nên cân bằng thì nhà đầu tư có thể thua lỗ lớn.
Nhà đầu tư, người dân nên mua vào những thời điểm giá điều chỉnh và giữ trong trung dài hạn sẽ tốt hơn là lướt sóng trong ngắn hạn. Đồng thời, nhà đầu tư cũng tránh được việc bị cuốn vào vòng xoáy tâm lý đám đông trong những ngày này, không nên mua đuổi theo giá vàng đang biến động.
Là người theo dõi sát diễn biến thị trường, nhận định của ông về giá vàng trong ngắn và trung hạn như thế nào?
Với 12 năm kinh nghiệm trên thị trường vàng, tôi nhận thấy, giá vàng tăng nhờ sự kiện Brexit là một phần, nhưng việc các ngân hàng trung ương tăng tốc mua vàng trong 5 năm qua, đặc biệt các tổ chức tài chính mua vàng từ năm ngoái đã khiến giá vàng thế giới nhích dần lên và Brexit chỉ là ngọn lửa cuối.
Theo quan sát của tôi, giá vàng đã vào chu kỳ tăng, tuy nhiên để có thể quay lại mức lịch sử 1.921 USD/ounce vào năm 2011, tương ứng 49,3 triệu đồng/lượng trong nước là không dễ, dù có nhiều dự báo như thế. Thời điểm đó, từng có dự báo giá vàng tăng lên 5.000 USD/ounce, tương đương 100 triệu đồng/lượng tại Việt Nam, nhưng mức đỉnh của thị trường cũng không đạt được một nửa số đó.
Giá vàng có thể vượt qua mức 1.500 USD/ounce, thậm chí 1.600 - 1.700 USD/ounce trong vòng 2 năm tới, nhưng khó có khả năng cao hơn mức này. Chứng khoán thế giới tốt, các kênh như bất động sản, thậm chí lãi suất cũng đang nhích lên tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vì thế, các nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn, nên việc giá vàng tăng là không thể phủ nhận, nhưng cần tỉnh táo trong việc đầu tư vàng.
Theo ông, các chính sách sẽ hỗ trợ thị trường vàng trong thời gian tới ra sao?
Các chính sách sẽ quyết định khá lớn đến xu hướng giá vàng tại Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp tục chính sách hiện tại, có thể mức chênh lệch giá trong nước với thế giới sẽ giảm lại. Ngược lại, có thể mức chênh này tồn tại trong ngắn hạn trước khi các chính sách mới bắt đầu đi vào thực tế. Ngoài ra, cũng phụ thuộc vào chính sách đó là gì thì giá mới có sự chuyển động tương ứng.
Tuy nhiên, cần lưu ý, giá vàng thế giới tăng thì giá vàng tại Việt Nam chắc chắn sẽ theo xu hướng tăng, chỉ là tăng ít hay nhiều.