Đây là kết quả được công bố từ báo cáo chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu năm 2024 (EPI), của tổ chức giáo dục Education First Việt Nam (EF Việt Nam) vào ngày 13/11.
Cụ thể, chỉ số thành thạo tiếng Anh của Việt Nam năm nay đạt 498 điểm, xếp thứ 63/116 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá và nằm trong nhóm có mức độ thông thạo thấp. Vị trí số 1 năm nay thuộc về Hà Lan (636 điểm), kế đến là Na Uy (610 điểm) và Singapore (609 điểm), thuộc nhóm có mức độ thông thạo rất cao.
Xét theo khu vực châu Á, Việt Nam xếp 8, sau Singapore (609 điểm), Philippines (570 điểm), Malaysia (566 điểm), Hong Kong - Trung Quốc (549 điểm), Hàn Quốc (523 điểm), Nepal (512 điểm) và Bangladesh (500 điểm).
Chia theo khu vực và thành phố trong nước, Việt Nam không có nơi nào được xếp vào mức độ thông thạo tiếng Anh cao hay rất cao. 5 thành phố có điểm trung bình, lần lượt gồm: Hà Nội (524 điểm), Hải Phòng (523 điểm), TP.HCM (523 điểm), Nha Trang (521 điểm) và Đà Nẵng (516 điểm).
Với kết quả xếp hạng này, Việt Nam đã chấm dứt thành tích 2 năm chỉ số thành thạo tiếng Anh của người vươn lên mức trung bình. Trước đó vào năm 2022, Việt Nam từng thoát nhóm thông thạo tiếng Anh thấp khi đạt 502/800 điểm, xếp hạng 60 thế giới, tăng 5 bậc so với năm 2021. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục tăng 2 bậc, xếp thứ 58/113.
Báo cáo của EF Việt Nam cũng chỉ ra, tình trạng trình độ tiếng Anh trên toàn thế giới đang giảm sút. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, trình độ tiếng Anh toàn cầu giảm, 60% các quốc gia trong bảng xếp hạng có điểm số thấp hơn so với năm 2023.
Ngoài ra, báo cáo cho thấy, nhóm ngành dịch vụ, hàng không, truyền thông, thể thao và giải trí là các nhóm ngành có nguồn nhân lực với mức thông thạo tiếng Anh cao nhất.
Đây là khảo sát lớn nhất thế giới về kỹ năng tiếng Anh theo quốc gia và khu vực, với quy mô hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, được đánh giá và xếp hạng uy tín trên thế giới, công bố hàng năm từ 2011 đến nay.
Chỉ số EPI năm nay được phân tích từ kết quả kiểm tra của 2,1 triệu người từ 18 tuổi trở lên, không phải người bản ngữ nói tiếng Anh, tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kim Nhung