Tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất 150,1 tỷ đồng
Thông tin về việc triển khai các chính sách hỗ trợ tới người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) trong cả nước tính đến 5/8, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, ngành BHXH đã thực hiện xong việc gửi thông báo giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị SDLĐ, tương ứng 11,238 triệu lao động được điều chỉnh giảm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng để người SDLĐ hỗ trợ cho NLĐ phòng, chống dịch Covid-19 (mua trang thiết bị phòng dịch, tiêm vắc - xin,…).
Tính đến ngày 5/8, cơ quan BHXH đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 184 đơn vị với 23.637 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 150,1 tỷ đồng tại 28 tỉnh, thành phố. Cụ thể là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Dương, Hải Phòng, Hoà Bình, Khánh Hoà, Lai Châu, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Sơn La, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Trà Vinh.
Đồng thời, xác nhận danh sách cho 209.491 lao động của 12.271 đơn vị SDLĐ để hưởng các chính sách hỗ trợ tại 59/63 tỉnh, thành phố. Cũng theo thông tin từ Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH), sau khi cơ quan BHXH xác nhận các danh sách, đến ngày 4/8, đã có 31/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hồ sơ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 220 đơn vị để trả lương 34.895 lao động, nhu cầu vay 188,35 tỷ đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 123 đơn vị vay trả lương cho 26.547 lao động với tổng số tiền trên 102,5 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: đến ngày 4/8, có 21/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và chi trả cho gần 48.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó có 50 lao động đang mang thai; 750 trẻ em dưới 6 tuổi) với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 98,3 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ NLĐ ngừng việc, có 6 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và chi trả hỗ trợ cho 1.122 lao động ngừng việc (trong đó có 25 lao động đang mang thai; 740 trẻ em dưới 6 tuổi) với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 1,4 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động: 5 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 1.370 NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 34 người nuôi con dưới 6 tuổi), tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Các địa phương khác đang rà soát, tổng hợp danh sách đề nghị hỗ trợ.
Với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, hiện nay các địa phương đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đã chi trả hỗ trợ tiền ăn cho các F0 và F1 gần 12,1 tỷ đồng
Ngoài các chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ có giao kết hợp đồng lao động, chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em cũng đang được triển khai tích cực. Bộ LĐ-TBXH cho biết, tính đến ngày 4/8, có 32/63 tỉnh, thành phố đã báo cáo việc phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền ăn 65.300 đối tượng F0 (24.500 người) và F1 (40.800 người) và hỗ trợ thêm cho trên 2.600 trẻ em.
Các tỉnh trên đã chi trả tổng số tiền ăn hỗ trợ gần 12,1 tỷ đồng. Tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, chính quyền đã sử dụng ngân sách địa phương và nhiều nguồn vận động khác để hỗ trợ chi phí ăn uống cho người dân trong các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly.
Về chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: tính đến ngày 4/8 đã có 37/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác (trong đó có khoảng trên 100.000 người bán lẻ vé xổ số lưu động), trong đó, 20/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các khu vực phía Nam) đã chi trả hỗ trợ trên 560.000 người (chiếm 73% số phê duyệt), với tổng kinh phí gần 790 tỷ đồng.
Ngoài ra, các tỉnh đã thực hiện chi trả hỗ trợ gần 103.500 đối tượng đặc thù của địa phương với tổng kinh phí hỗ trợ gần 89,5 tỷ đồng. Trong nhóm 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, đã phê duyệt danh sách hỗ trợ trên 791.000 lao động tự do và 47.200 đối tượng đặc thù; đã chi trả hỗ trợ khoảng 767.000 người, với tổng kinh phí 1.037 tỷ đồng.
Đối với chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch, đã có 33/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 855 viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và 750 hướng dẫn viên du lịch. Trong đó, đã chi trả hỗ trợ cho 655 viên chức hoạt động nghệ thuật và 47 hướng dẫn viên du lịch với tổng số tiền hỗ trợ là 1,58 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, Bộ LĐ-TBXH cho biết, đến ngày 4/8, có 17/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ trên 24.200 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, đã chi trả hỗ trợ cho trên 7.100 hộ với tổng số tiền hỗ trợ là gần 15,8 tỷ đồng. Còn 46 địa phương chưa triển khai chính sách này (tính đến ngày 4/8).
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Mai Lâm