Hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hiện nay được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và một số Thông tư văn bản hướng dẫn có liên quan.
Thực tiễn cho thấy đến thời điểm này, số lượng dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định 15 và nghị định 30 không nhiều, hầu hết vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; những dự án trong giai đoạn xây dựng hoặc vận hành chủ yếu là các dự án chuyển tiếp từ khung pháp lý cũ (Nghị định 108/2009/NĐ-CP).
Theo giải trình của cơ quan soạn thảo hồ sơ đề xuất xây dựng Luật, qua các báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án BOT, BT và đặc biệt là Báo cáo giám sát của UB thường vụ Quốc hội đối với các dự án BOT giao thông, có nhiều bất cập của các dự án BOT, BT thực hiện theo Nghị định 108/CP.
Cụ thể, hầu hết các dự án BOT, BT được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầy để lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Đối với dự án BOT giao thông, xuất hiện các bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí chưa phù hợp, chưa đảm bảo khoảng cách 70 km; thời gian thu phí chưa phù hợp. Bên cạnh đó, chưa có quy định rõ ràng về việc lựa chọn những dự án “nâng cấp, cải tạo” hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT hay đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước dẫn đến việc người dân không có sự lựa chọn đối với các tuyến đường độc đạo…
Bên cạnh đó, khó khăn về nguồn vốn để thực hiện việc chuẩn bị và tham gia đầu tư theo các dự án PPP được xem là nút thắt chính trong quá trình triển khai đầu tư theo mô hình này.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thời gian thực hiện các dự án PPP thường kéo dài, cần một lượng vốn lớn nên không thể tránh khỏi những rủi ro lớn về mặt pháp lý. “Trên thực tế, việc triển khai hình thức PPP thường có chi phí lớn với thời gian kéo dài nên không thể tránh khỏi rủi ro, đặc biệt là rủi ro về mặt chính sách. Đặc biệt, có những thời điểm các dự án PPP gặp phải sự phản ứng dữ dội từ người dân. Vì thế, để đảm bảo quyền lợi của chủ đầu tư, quyền lợi của nhà nước và người sử dụng, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Hiện nay, Nghị định sửa đổi, bổ sung thay thế hai nghị định gồm Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP đang được soạn thảo và đang đi đến giai đoạn cuối cùng. Cùng với đó đề cương sơ bộ Luật Đầu tư theo đối tác công tư (PPP) cũng đang được xây dựng.
Dẫn một số điểm mới được đề xuất tại nghị định thay thế NĐ 15/2015/NĐ-CP, ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng Hợp tác công tư (PPP), Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết, tại nghị định này sẽ bổ sung quy định về trình tự thực hiện dự án công nghệ cao; bổ sung nguồn vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP (nguồn chi thường xuyên, nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công, nguồn vốn thanh toán cho dự án BT); bổ sung quy trình quyết định chủ trương đầu tư; bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Quy trình thực hiện dự án BT (lựa chọn nhà đầu tư sau khi có thiết kế, dự toán, bổ sung các nguồn thanh toán khác ngoài quỹ đất, quy hoạch chi tiết của khu đất dự kiến thanh toán); Việc thực hiện dự án PPP của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tasco cho rằng, nội dung Luật Đầu tư theo đối tác công tư cần chú ý quy định về hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, vì đây là cốt yếu của đầu tư theo đối tác công tư. Theo ông Dũng, trong quá trình đổi mới, khi kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông nhưng chưa có sự chia sẻ này nên hầu như không có đối tác nước ngoài tham gia. Quá trình đầu tư có thể doanh thu không đạt như kỳ vọng, vì thế, nhà nước cần phải bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho nhà đầu tư để thu hút các nhà đầu tư quan tâm.
Thông tin thêm về đề xuất xây dựng Luật Đầu tư theo đối tác công tư, ông Trần Việt Dũng cho biết, mục tiêu của hội thảo là nhằm lấy ý kiến của cộng đồng DN, các chuyên gia, các tổ chức tư vấn để hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Luật, sau đó, Bộ KH&ĐT sẽ trình Chính phủ trong quý I/2018, chậm nhất là tháng 4/2018.