Huba kiến nghị 5 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch | |
Đã đến lúc phục hồi nền kinh tế | |
Sau đại dịch, xuất khẩu thuỷ sản sẽ tự tin tăng trưởng tốt | |
TPHCM sẵn sàng cho việc phục hồi kinh tế sau dịch | |
Hướng nào cho doanh nghiệp trong và sau đại dịch Covid-19? | |
Thủ tướng yêu cầu có các kịch bản để phục hồi nền kinh tế sau dịch |
Vẫn có doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội xuất khẩu trong dịch bệnh. Trong ảnh: Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu lô hàng 10.000 tấn tôn đi Mexico vào đầu tháng 4/2020. |
Công nghệ số hưởng lợi
Vào đầu tháng 2, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI đã nhận định, trong 23 nhóm ngành, các DN ngành dược phẩm, công nghệ thông tin, điện, nước sẽ nhận được tác động tích cực, còn lại sẽ chịu ảnh hưởng trung lập hoặc tiêu cực. Nguyên nhân bởi nhu cầu của thị trường trong ngắn hạn đối với các mặt hàng dược phẩm đều tăng cao, công nghệ thông tin lại càng được hỗ trợ khi được nhiều DN, người dân, tổ chức ứng dụng trong bối cảnh phải cách ly xã hội. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, hoạt động giao thương bị đình trệ, các quốc gia tạm thời đóng cửa biên giới đã khiến DN ngành du lịch, dịch vụ, nông lâm thủy sản, chế biến chế tạo… chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme): Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phải đổi mới quyết liệt trong thực hiện thủ tục hành chính, giảm bớt những khâu phiền hà cho DN. Nền hành chính công vụ phải đáp ứng yêu cầu nhanh nhất cho DN nhằm phục hồi các dự án đã và đang dở dang. Về các chính sách thuế đất đai, cần thêm giải pháp hỗ trợ, miễn giảm cho DN nhỏ và vừa, cho vay vốn lưu động với mức lãi suất thấp hoặc 0%/năm… Với những hỗ trợ từ cơ quan quản lý và tự bản thân DN, thời gian phục hồi của DN và nền kinh tế sau đại dịch cần ít nhất là 24 tháng. |
Sau 3 tháng Covid-19 hoành hành, bằng các biện pháp phòng chống dịch tích cực, cũng như các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cùng nhiều tổ chức liên quan, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhiều DN đã tìm thấy cơ hội để sản xuất kinh doanh trong dịch bệnh, chủ động có kế hoạch phục hồi mạnh mẽ sau dịch.
Theo các chuyên gia và DN, “điểm sáng” phục hồi của ngành chế biến chế tạo là DN ngành thuốc và hóa dược. Số liệu cho thấy, sản lượng tiêu thụ quý I/2020 của ngành này đã tăng 27,3% so với cùng kỳ. Trái ngược với ngành may mặc, các công ty dệt có tình hình tích cực hơn với tăng trưởng sản lượng tiêu thụ 13% trong quý I. Với 60% vải nguyên liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, việc các nhà máy của nước này phải đóng cửa trong quý I đã khiến nhu cầu vải nguồn gốc trong nước tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Hơn nữa, nhu cầu khẩu trang tăng đột biến khiến cho mặt hàng vải không dệt để sản xuất sản phẩm này cũng được tiêu thụ mạnh. Do đó, dự báo, các ngành này sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất từ cơ hội “không mong muốn” này là công nghệ thông tin, các lĩnh vực áp dụng công nghệ số. Tiêu biểu như tại Tập đoàn FPT, dù ảnh hưởng từ dịch Covid-19, trong quý I, lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt mức 937 tỷ đồng và 747 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 19,3% so với cùng kỳ. Phát biểu về cơ hội sau dịch tại Đại hội cổ đông thường niên gần đây, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, dịch Covid-19 đang mở ra rất nhiều cơ hội cho FPT từ hành vi của khách hàng, đến xu hướng chuyển đổi số của các DN. Các sản phẩm “Made by FPT” cũng đang được khách hàng đón nhận nhiệt tình theo dạng thuê dịch vụ, từ đấu thầu, xây dựng hệ thống theo yêu cầu sang hệ thống làm sẵn, cho thuê. Do đó, lãnh đạo Tập đoàn này tin tưởng FPT sẽ nắm bắt được các cơ hội một cách tối đa.
Đặc biệt, với ngành ngân hàng, công nghệ số cũng đang giúp ngành này vượt qua khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng và huy động đều giảm thấp. Nếu như trước đây, ứng dụng mobile banking của các ngân hàng chỉ có một số giao dịch cơ bản, thì nay, các ứng dụng đã đáp ứng hầu hết nhu cầu giao dịch và thanh toán như: Gửi tiết kiệm, vay vốn online, thanh toán hóa đơn dịch vụ thiết yếu, gửi quà, mua voucher... Nhờ đó, lượng giao dịch qua ngân hàng số đã tăng lên đáng kể, như tại VPBank, kết thúc quý I, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ. Điều này không những giúp các ngân hàng duy trì được doanh thu từ mảng dịch vụ, mà còn là cơ hội để thay đổi thói quen người tiêu dùng, tăng doanh thu thời kỳ "hậu" Covid-19.
Tính toán lộ trình phù hợp
Theo các chuyên gia, việc phục hồi kinh tế cần tính toán lộ trình phục hồi các ngành khác nhau vào thời điểm phù hợp, với mức độ và phương án hợp lý, thậm chí có thể phải tính tới phương án “sống chung với dịch”, vừa duy trì kinh tế, vừa phòng chống dịch.
Theo PGS. TS. Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế quốc dân, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt và phối hợp chính sách một cách chủ động để duy trì tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, đảm bảo được các nguồn lực tăng trưởng dài hạn. Hơn nữa, Chính phủ nên lựa chọn đúng khu vực để tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho hồi phục kinh tế.
Cụ thể, dưới tác động của dịch Covid-19, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chịu nhiều ảnh hưởng, nhất là khi diễn biến dịch trên thế giới còn nhiều phức tạp. Vì thế, khu vực FDI sẽ hồi phục chậm hơn các DN trong nước. Ngoài ra, với các DN trong nước cũng có sự khác nhau giữa DN tư nhân và DN nhà nước. Các chuyên gia đánh giá, khu vực kinh tế tư nhân, nhất là khối DN nhỏ và vừa do đặc tính quy mô nhỏ, linh hoạt nên có thể sẽ phục hồi nhanh hơn, thích ứng tốt hơn với các cú sốc bên ngoài. Vì thế, với khối DN này, PGS. TS. Tô Trung Thành cho rằng, các DN cần tái cấu trúc, cũng như tìm kiếm các nguồn cung ứng mới đảm bảo yếu tố linh hoạt và khả năng tự phục hồi. DN cũng cần nắm bắt được xu thế của thị trường, đầu tư vào khách hàng mục tiêu và dự đoán hành vi, tìm các phương án marketing và bán hàng mới… để đáp ứng nhu cầu của người mua.
Phân tích riêng theo từng ngành, nhiều chuyên gia nhận định, ngành chế biến, chế tạo vẫn gặp nhiều khó khăn khi tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp. Minh chứng là Chỉ số Quản trị người mua hàng PMI giảm mạnh từ 49 điểm trong tháng 2 xuống 41,9 điểm trong tháng 3 giữa bối cảnh các nhà sản xuất nội địa đang đối diện với cả khó khăn do gián đoạn chuỗi cung ứng lẫn sự thiếu hụt các đơn hàng mới khi nhu cầu toàn cầu yếu đi.
Cùng với đó, các ngành xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Theo Bộ Công Thương, những ngành xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, đồ gỗ có thể sụt giảm sản lượng đến 70% trong quý II so với quý I do sự cắt giảm đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ vẫn trong giai đoạn phong tỏa do Covid-19. Mặc dù vậy, đây vẫn nên là lĩnh vực cần ưu tiên ngay khi có đơn hàng. Bởi các chuyên gia cho hay, sau dịch Covid-19, nhiều DN, tập đoàn lớn sẽ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, Việt Nam muốn đón đầu xu hướng đó thì phải duy trì xuất khẩu.
Với các ngành như vận chuyển hành khách, logistics, hàng không, du lịch, sự phục hồi cũng sẽ chậm hơn và phải căn cứ vào tình hình của từng địa phương, trước mắt nên ưu tiên thị trường nội địa. Vì thế, các DN kiến nghị Chính phủ cần ban hành lộ trình phục hồi cụ thể, cũng như nhiều phương thức hỗ trợ hiệu quả bởi đây là những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất. Đặc biệt, với những ngành như du lịch, hàng không hay công nghiệp chế biến chế tạo tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc mở cửa trở lại như thế nào còn phụ thuộc lớn vào diễn biến dịch bệnh trên thế giới.