Nhằm hướng đến xây dựng hệ thống thư viện hiện đại,Đẩymạnhsốhóathưviệbxh 2 ha lan phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn, Thư viện tỉnh đã đổi mới các hình thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Công tác này đã mang lại hiệu quả tích cực và được đánh giá cao.
Thời gian qua hệ thống thư viện trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động để phục vụ tốt bạn đọc. Trong ảnh: Ngày hội đọc sách Thư viện tỉnh. Ảnh: THU HƯỜNG
Đổi mới hình thức phục vụ
Những năm gần đây, hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh có nhiều hình thức phục vụ bạn đọc. Riêng trong năm 2021, các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân Tân Sửu 2021 thông qua các hình thức phục vụ như Hội Báo xuân, triển lãm sách mới, sách chuyên đề, thông tin chuyên đề, bản tin điện tử đã phục vụ tốt nhu cầu giải trí lành mạnh, vui tươi cho nhân dân nhân dịp xuân về. Bên cạnh đó, các thư viện đã tổ chức các hội thi và hoạt động tuyên truyền, như: Tổ chức diễu hành và trưng bày sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam (21-4) và hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4); Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách năm 2021, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc, Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Bình Dương lần thứ XII năm 2021.
Trong năm, hệ thống thư viện công cộng tỉnh đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền và tổ chức các hội thi theo hình thức trực tuyến nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và của địa phương. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, các thư viện đã tổ chức nhiều hoạt động phục vụ từ xa, theo hình thức trực tuyến để phục vụ độc giả, như: Hội thi “Thiếu nhi kể chuyện sách trực tuyến tỉnh Bình Dương” lần thứ XI năm 2021, các hoạt động hè trực tuyến đã thu hút được đông đảo các em thiếu nhi, bạn đọc quan tâm, hưởng ứng; qua đó tăng dần số lượng người tương tác trên website và fanpage của các thư viện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số
Lần giở các trang sách “Pháp luật cho mọi người” trên màn hình điện thoại thông minh, bà Nguyễn Thị Xuân (phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một), cho biết dịch bệnh kéo dài nên bà đang dần quen với thói quen đọc sách trên thư viện số của Thư viện tỉnh. Với nhiều đầu sách được số hóa, thư viện số đã giúp bà Xuân có thêm nhiều kiến thức bổ ích, nhất là nhiều sách hay về pháp luật, văn hóa, lịch sử, tâm lý. Còn với em Phạm Nhật Trường, học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Thuận An), trong thư viện số của Thư viện tỉnh có nhiều sách hay về công nghệ thông tin, tiếng Anh, toán học và các kỹ năng mềm rất thú vị. Với chiếc điện thoại thông minh hay máy tính, em có thể đọc sách bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào mình thích.
Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Thư viện tỉnh, mặc dù dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhưng nhu cầu đọc sách của các đối tượng ngày càng tăng. Để đáp ứng nhu cầu độc giả, bên cạnh việc nỗ lực trong đổi mới hình thức phục vụ, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh số hóa các đầu sách, thường xuyên cập nhật tin, bài trên mạng internet lên website của Thư viện tỉnh để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin, phục vụ việc học tập, nghiên cứu và giải trí của bạn đọc; phát huy hiệu quả vốn tài liệu, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Mới đây, Thư viện tỉnh cũng đã tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” và xin chủ trương thực hiện Đề án “Phát triển hệ thống thư viện công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. “Việc thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Chính phủ vừa phê duyệt hứa hẹn sẽ đem lại nhiều đột phá trong nâng cao năng lực của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại”, ông Huệ nói.