Theo ông, mức độ margin cao có là vấn đề đáng lo ngại trong thời điểm này?
Vấn đề margin đang được thị trường quan tâm và bàn luận nhiều, liên quan đến đến khả năng Ngân hàng Nhà nước sắp ban hành Thông tư với một số quy định siết chặt hơn nguồn vốn cho vay đầu tư chứng khoán. Mối lo ngại thật sự không nằm ở tỷ lệ tối đa cho vay đầu tư chứng khoán giảm từ 20% về 5% vốn điều lệ, vì đã có một số thông tin khác làm rõ điểm này, với lý giải mức trần 5% đó chỉ áp dụng riêng cho việc vay đầu tư cổ phiếu, khác với mức 20% trước đây dành cho vay chứng khoán nói chung (gồm cả trái phiếu). Tác động từ sự thay đổi này (nếu có), sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường.
Dù vậy, sự lo lắng tập trung ở một điểm khác có thể có trong dự thảo Thông tư là việc không cho phép các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% được tham gia cho vay kinh doanh cổ phiếu. Cần lưu ý, hiện có khá nhiều ngân hàng lớn có tỷ lệ nợ xấu trên 3% và theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít các ngân hàng trong số này đang tồn tại dư nợ cho vay chứng khoán ở mức cao.
Để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao cần tích cực xử lý nợ, nhằm đáp ứng đủ điều kiện tham gia cung cấp tín dụng cho kênh kinh doanh cổ phiếu trước khi Thông tư có hiệu lực.
Ông đánh giá như thế nào về động thái tiếp tục bán ròng của khối ngoại, đang có tác động không tốt đến tâm lý NĐT nội?
Kể từ đầu tháng 11 đến nay, khối nhà đầu tư nước ngoài thực hiện bán ròng với khối lượng hơn 5,1 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE, giá trị bán ròng 456 tỷ đồng. So với mức đỉnh điểm bán ra trong tháng 10, hoạt động bán ròng của khối ngoại có sự “hạ nhiệt”. Cụ thể, trong tháng 10, khối ngoại bán ròng 14,6 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng 1.225 tỷ đồng.
Dĩ nhiên, việc khối ngoại tiếp tục bán ròng là một điểm trừ trong ngắn hạn dành cho thị trường. Dù vậy, nhìn lại số liệu thống kê có thể thấy, ít có khả năng khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong thời gian tới. Tôi cho rằng, giao dịch của khối này sẽ dần trở nên cân bằng hơn.
Ông dự báo thị trường sắp tới sẽ diễn biến theo xu hướng nào?
Xu hướng lớn của thị trường cho giai đoạn 2014 - 2015 là tăng. Trong ngắn hạn, VN-Index đang nằm trong một pha tích lũy với vùng dao động từ 575 đến 610 điểm. Đã có những đợt kiểm tra lại mốc kháng cự 610 điểm, dù vậy, việc chinh phục mốc kháng cự này vẫn chưa thành công khi động lực chung của thị trường hiện nay chỉ ở mức trung bình.
Chúng tôi cho rằng, xu hướng của VN-Index trong một tháng tới sẽ phụ thuộc vào việc có bứt phá thành công mức kháng cự 610 điểm hay không. Nếu thành công, khả năng đường giá sẽ tìm đến vùng 630 điểm vào giai đoạn cuối năm. Nếu không thành công, một tháng cuối năm sẽ chỉ là những dao động ngang trong biên độ 575 - 610 điểm.
NĐT nên có chiến lược đầu tư như thế nào, theo ông?
Với các nhà đầu tư trung và dài hạn, chúng tôi nhận thấy thời điểm hiện tại tiếp tục là cơ hội tốt cho việc lựa chọn và tích lũy các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang bị định giá thấp do tâm lý có phần bi quan trong ngắn hạn của thị trường. Việc nắm giữ những cổ phiếu dạng này cho giai đoạn 3 - 6 tháng tới hứa hẹn mang lại một kết quả tốt cho việc kinh doanh của nhà đầu tư.
Với các nhà đầu tư ngắn hạn, do động lực của thị trường hiện vẫn chưa mạnh và xu hướng ngắn hạn chưa rõ ràng, chúng tôi khuyến nghị giữ một tỷ trọng cân bằng giữa chứng khoán và tiền mặt. Việc gia tăng tỷ trọng chứng khoán nên được thực hiện khi VN-Index chinh phục thành công ngưỡng kháng cự 610 điểm.