Lọt top ưu tiên của nhà đầu tư
“Tại sao lại là châu Á, Đông Nam Á và tại sao không phải là châu Phi?” là câu hỏi mà các nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm Singapore nhận được khi huy động vốn từ một số nhà đầu tư đến từ Anh. Thậm chí, nếu có quan tâm tới châu Á, thì Trung Quốc mới là thị trường đầu tiên mà họ nghĩ đến.
Điều này cho thấy, các nhà đầu tư châu Âu tiếp cận cơ hội phát triển tại châu Á chậm hơn so với Mỹ và các khu vực khác. Tuy nhiên, gần đây, họ đã nhận ra, Đông Nam Á - khu vực duy nhất có mức tăng trưởng 5 - 6% trước khi Covid-19xảy ra - sẽ mang lại cho mình nhiều mối lợi lớn.
Từ đó, các quỹ đầu tư tư nhân tại Đông Nam Á bắt đầu hút được nguồn tiền châu Âu. Hàng loạt quỹ mới được thành lập với thành viên góp vốn trực tiếp là các nhà đầu tư châu Âu.
Tại Indonesia, một quỹ đầu tư tư nhân được thành lập nhằm mục đích kết nối nguồn tiền từ châu Âu với nguồn vốn tư nhân ở trong nước đang ngày càng phát triển. Sau khi bắt đầu hoạt động vào tháng 8/2020, Panta Capital dự định đầu tư 30 triệu euro (khoảng 35 triệu USD) vào Indonesia trong năm tới, đồng thời công bố khoản đầu tư 500.000 euro vào Rembuyung - công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực phân bón.
Dù 30 triệu euro có vẻ nhỏ hơn con số đầu tư thường thấy tại Indonesia, bởi một công ty khởi nghiệp đơn lẻ cũng có thể thu về gấp đôi số tiền này chỉ trong một vòng gọi vốn, nhưng Panta Capital mang đến cho các công ty tại Indonesia một điều mới mẻ, đó là “làn gió mới” từ châu Âu.
Jungle Ventures - công ty vốn mạo hiểm có trụ sở tại Singapoređã huy động được 240 triệu USD cho quỹ đầu tư thứ ba tại Đông Nam Á của mình, với đối tác góp vốn cũng là các nhà đầu tư châu Âu.
“Trong năm 2015 và 2016, Jungle Ventures chỉ huy động được chưa đến 2% vốn từ châu Âu, nhưng năm 2019, số vốn huy động được từ khu vực này là gần 35%”, Anan - đối tác quản lý quỹ của Jungle Ventures cho biết.
Cũng tại Singapore, mới đây, Trendlines Group - công ty đầu tư đến từ Israel, niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán Singapore đã cùng Tamasek và Librae Holdings - tổ chức liên quan đến ông trùm bất động sản người Anh gốc Iran Vincent Tchenguiz thành lập 1 quỹ đầu tư.
Còn tại Việt Nam, ngay trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, Quỹ Excelsior Capital Việt Nam Partners đã ra đời. Đây là quỹ đầu tư tư nhân thứ 6 của Excelsior Asia Capital (Thụy Sĩ), được thành lập cho mục đích đầu tư vào Việt Nam.
Ông Hoàng Xuân Chính, thành viên sáng lập, Tổng giám đốc Excelsior Capital Việt Nam Partners cho hay, Quỹ đã hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên với số vốn cam kết ban đầu là 62 triệu USD. Excelsior đặt mục tiêu hướng tới huy động vốn cam kết 200 triệu USD, thời gian hoạt động 10 năm.
Quỹ này sẽ rót vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hoạt động trong những ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng và còn cơ hội phát triển như chăm sóc sức khỏe, dược, y tế, giáo dục, các ngành phục vụ người tiêu dùng (sản xuất, phân phối, bán lẻ, logistics...). Mỗi thương vụ, Excelsior dự kiến rót từ 6 triệu USD trở lên và đầu tư dài hạn (4 - 7 năm) qua nhiều hình thức cấu trúc đầu tư đa dạng…
Có thể thấy, mặc dù các công ty tư nhân ở khu vực Đông Nam Áchưa được biết đến nhiều ở châu Âu, vì chưa có nhiều sự quảng bá và do khác biệt văn hóa, nhưng ASEAN đang có lợi thế vươn lên đứng đầu danh sách những thị trường mới nổi. Dĩ nhiên, cơ hội để ASEAN lọt top ưu tiên của các nhà đầu tư trên toàn thế giới cũng sẽ nhân lên.
Trong khu vực ASEAN, ngoài Singapore, chỉ duy nhất Việt Nam tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, Singapore lại chỉ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, nên nếu các doanh nghiệp EU muốn dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, chắc chắn họ sẽ nghĩ tới Việt Nam.
Cần thời gian nắm bắt
Đánh giá một cách khách quan, Việt Nam tuy phát triển nhanh và được ví như ngôi sao đang lên trong khu vực, nhưng vẫn là thị trường cận biên, quy mô thị trường còn khá nhỏ.
Hiện tại, trừ một số quỹ đầu tư tư nhân lớn của khu vực như Warburg Pincus, KKR đã rót hàng trăm triệu USD vào doanh nghiệp hạ tầng, bất động sản, ngân hàng... tại Việt Nam, các quỹ khác thường có quy mô vừa và nhỏ, đa số chỉ giải ngân ở mức 5 - 15 triệu USD cho mỗi thương vụ.
Các quỹ đầu tư vào Việt Namcũng dễ gặp rủi ro, vì thị trường chưa thực sự đa dạng cho chiến lược đầu tư và nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến tính minh bạch, chính trực trong hoạt động. Đây có lẽ là lý do khiến các nhà đầu tư lớn vẫn còn e dè, cần thêm thời gian quan sát trước khi quyết định đầu tư.
Trong khi đó, nhu cầu vốn dài hạn cho các doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, nhưng hầu hết các ngân hàng Việt Nam không thể đáp ứng. Giới đầu tư cho rằng, để thị trường phát triển và doanh nghiệp có điều kiện lớn mạnh hơn nữa, rất cần có thêm sự tham gia tích cực, trách nhiệm, với chiến lược đầu tư đa dạng, khác nhau của các quỹ đầu tư; về phía doanh nghiệp, cần cởi mở hơn trong việc nhìn nhận vai trò của các quỹ.
Dù các nhà đầu tư đang dần quan tâm hơn đến Đông Nam Á, nhưng có lẽ, sẽ phải mất một thời gian để họ có thể hoàn toàn nắm bắt được khu vực này.
Trên thực tế, thời gian qua, các dòng vốn trực tiếp, gián tiếp từ Mỹ, châu Âu liên tục rót vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhưng được thực hiện thông qua nước thứ 3 và Singapore luôn được lựa chọn.
Tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm Bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT thừa nhận, các nhà đầu tư đang có ý định vào Việt Nam luôn cân nhắc đầu tư thông qua một công ty mẹ đặt tại Singapore.
Lý do chính dẫn đến sự lựa chọn này liên quan đến hiệu quả pháp lý và hoạt động. Từ góc độ pháp lý hoặc quy định, các giao dịch như thay đổi hoặc thêm cổ đông… ở Singapore đơn giản và nhanh chóng hơn ở Việt Nam.
Ví dụ, toàn bộ thủ tục để một công ty bán cổ phần cho các nhà đầu tư mới có thể được thực hiện trong vài giờ tại Singapore, trong khi đó, có thể kéo dài hàng tuần ở Việt Nam.
Đó là chưa kể, Singapore luôn đạt điểm cộng trong mắt các nhà đầu tư, vì đây là nơi khởi nguồn cho các sáng kiến marketing toàn khu vực, xây dựng các nguyên tắc kỹ thuật hoặc các chính sách tài chính.
Ông Dave Richards, đồng sáng lập, đối tác quản lý tại Capria Ventures có trụ sở tại Mỹ, điều hành mạng lưới đầu tư mạo hiểm toàn cầu, đề cập một vấn đề cần cân nhắc khác, đó là: “Vẫn có những mâu thuẫn khi đầu tư tại Đông Nam Á”.
Trong khi người châu Âu đã quen với việc đầu tư xuyên biên giới, không có mâu thuẫn, nhờ có EU, thì Đông Nam Á lại thiếu các quy định đồng bộ ở mức tương tự, ngay cả với các sáng kiến như Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Nếu như Liên minh Thái Bình Dương được hình thành từ nhóm các quốc gia Mexico, Columbia, Chile và Peru đã tạo ra một thị trường thú vị và giảm bớt rào cản, để các doanh nghiệp tại bất cứ đâu trong khu vực cũng có thể mở rộng ra toàn bộ khu vực, thì ASEAN vẫn chưa làm được điều này.
Mặc dù vậy, những nhà gây quỹ đầu tư vẫn kỳ vọng, thị trường vốn tư nhân Đông Nam Á sẽ ngày càng thu hút được các nhà đầu tư châu Âu.
“Tôi tin, châu Âu sẽ trở thành một trong những khu vực có đầu tư lớn tại Đông Nam Á, thậm chí hơn cả Mỹ”, ông Dave Richards nhận định.
Đông Nam Á đang nổi lên như một khu vực có mức tăng trưởng cao, nhưng có thể thấy, hoạt động của nhà đầu tư châu Âu tại đây vẫn diễn ra khá chậm chạp.
Theo số liệu của Preqin, trong số những nhà đầu tư mạo hiểm và vốn tư nhân đầu tư vào các công ty quản lý quỹ tại ASEAN, có 56% đến từ Bắc Mỹ, 21% từ châu Á và 18% từ châu Âu.
Một số liệu khác từ các nhà cung cấp dữ liệu của Anh cho thấy, chỉ có 127 nhà đầu tư tổ chức tại châu Âu đang hoạt động đầu tư mạo hiểm và vốn tư nhân tập trung vào khu vực ASEAN, thấp hơn so với con số 322 tại Mỹ.