Thế giới cần một “hiệp ước đại dịch" WHO cảnh báo đại dịch COVID-19 "chưa có dấu hiệu chấm dứt" G20: Indonesia kêu gọi đóng góp thêm cho Quỹ phòng chống đại dịch |
Cuộc họp Hội đồng Y tế thế giới (WHA) lần thứ 76 tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 27/5 đến ngày 1/6. |
Các cuộc đàm phán căng thẳng nhằm đạt được thỏa thuận toàn cầu về đại dịch đã kéo dài 2 năm qua với mục tiêu xây dựng một khuôn khổ ràng buộc để quốc tế phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Hiện các nước đang bàn thảo xung quanh 5 điểm chính gồm:
Thứ nhất, vấn đề tiếp cận và chia sẻ tài nguyên trong trường hợp xảy ra đại dịch. Dự thảo hướng đến việc thiết lập Hệ thống chia sẻ lợi ích và tiếp cận mầm bệnh (PABS) - một nền tảng mới cho phép chia sẻ nhanh chóng dữ liệu mầm bệnh với các hãng dược phẩm nhằm đẩy nhanh việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ chống lại đại dịch.
Thứ hai, công tác phòng ngừa và giám sát dịch bệnh, trong đó có việc tiêm chủng định kỳ, quản lý rủi ro sinh học trong phòng thí nghiệm, ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh và ngăn chặn sự lây truyền bệnh từ động vật sang người.
Thứ ba, nguồn tài chính bền vững nhằm hỗ trợ các nỗ lực ứng phó với đại dịch, tập trung vào các nước đang phát triển không đủ nguồn lực. Theo dự thảo, các quốc gia sẽ đồng ý duy trì hoặc tăng nguồn tài trợ trong nước cho công tác phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, đồng thời huy động thêm ngân sách để giúp các nước đang phát triển thực hiện thỏa thuận, thông qua các khoản tài trợ và vốn vay ưu đãi.
Thứ tư, thiết lập mạng lưới chuỗi cung ứng và logistics toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng, kịp thời với giá cả phải chăng đối với các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch. Trong trường hợp khẩn cấp về đại dịch, các quốc gia sẽ ưu tiên chia sẻ sản phẩm qua mạng lưới để đảm bảo phân phối công bằng dựa trên rủi ro và nhu cầu về sức khỏe cộng đồng. Các nước cũng được yêu cầu không dự trữ quá mức các sản phẩm y tế liên quan đến đại dịch để tránh sự dư thừa không cần thiết.
Thứ năm, quy định về vắc xin và các biện pháp phong tỏa. Trong bối cảnh có những lo ngại về thông tin sai lệch, dự thảo làm rõ việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không có thẩm quyền đưa ra các chính sách y tế quốc gia, bao gồm cả quy định tiêm chủng hoặc hạn chế đi lại cho các nước.
Quá trình đàm phán suốt hai năm qua đã đạt được tiến bộ ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, những điểm gây tranh cãi vẫn chưa được giải quyết, đặt ra thách thức trong việc đạt được sự đồng thuận về một Hiệp ước toàn cầu về đại dịch.
Hiện các nước vẫn bất đồng gay gắt xung quanh những lo ngại của các quốc gia đang phát triển về khả năng bị hạn chế tiếp cận vắc xin. Ngoài ra, các quốc gia cũng đang thảo luận về cách đảm bảo các nước có thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận một cách công bằng các sản phẩm y tế quan trọng khác như thuốc điều trị và xét nghiệm trong trường hợp đại dịch.
Bên cạnh đó, các nước vẫn chưa đồng thuận trong cách thức chia sẻ các mầm bệnh được phát hiện trong lãnh thổ của họ với các nhà nghiên cứu quốc tế và những quốc gia khác.
Đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, tàn phá nền kinh tế và làm tê liệt hệ thống y tế trên toàn thế giới, chính là lời nhắc nhở các nước về sự cấp thiết phải có một khuôn khổ toàn cầu ngăn ngừa dịch bệnh.