Quan điểm này được tân Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, khi giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chiều 29/11.
Doanh nghiệp Nhà nước muốn được như tư nhân, tư nhân mong sướng như Nhà nước
Góp ý kiến trước đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đặt vấn đề: "Tại sao bây giờ các doanh nghiệp Nhà nước cứ lỗ?". Ông dẫn chứng năm 2023, lỗ lũy kế của 134 doanh nghiệp Nhà nước lên 115.270 tỷ đồng, khoảng 4,6 tỷ USD và băn khoăn "liệu lĩnh vực làm ăn có lãi có đủ gánh được những doanh nghiệp lỗ như thế này không?".
Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị Nhà nước chỉ tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, đầu tư dự án quan trọng và trọng yếu như an ninh, quốc phòng; tăng cường cổ phần hóa và thoái vốn. Nhà nước không nên ôm hết, theo lời ông Ngân.
"Việc gì tư nhân lo được thì để tư nhân làm, không nhất thiết Nhà nước phải tham gia nhiều như vậy. Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động Nhà nước cũng như làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là những người điều hành các doanh nghiệp Nhà nước", ông Ngân góp ý.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An nhấn mạnh mục tiêu luật cần cởi trói và phải tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nền tảng có cơ sở phát triển.
Trước hết, ông An đề xuất rà soát toàn bộ các tỷ lệ quy định mang tính chất hành chính, trình tự, thủ tục trong luật này để giảm bớt, tránh quản quá chặt, khiến doanh nghiệp Nhà nước rất khó phát triển.
"Doanh nghiệp Nhà nước muốn có được cơ chế như tư nhân, trong khi đó doanh nghiệp tư nhân đứng ngoài nhìn vào bảo sướng như doanh nghiệp Nhà nước, nhưng tôi cho rằng doanh nghiệp Nhà nước hoàn toàn không sung sướng gì, rất nhiều các quy định", ông An nói.
Với thiết kế như dự thảo luật hiện nay, ông An cho rằng mô hình cơ quan quản lý vốn chưa có sự thay đổi lớn và tạo sự rối rắm trong việc người đại diện vốn. "Đọc Điều 40 chúng ta hình dung đây là các cơ quan chủ quản chứ không phải cơ quan quản lý vốn, rất phức tạp", theo lời vị đại biểu.
Ông góp ý cần phải đổi mới hơn nữa mô hình quản lý vốn và phải có "một cuộc cách mạng".
Đánh giá khách quan, trao đủ thẩm quyền
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu thực tế doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ vốn tài sản nhưng hoạt động kém hiệu quả và thua tư nhân. Nguyên nhân là hoạt động quản lý hiện nay chặt chẽ, trói buộc, tiền bị thất thoát nhưng không kịp thời được phát hiện, hoặc khi phát hiện cũng không rõ trách nhiệm cá nhân.
Vì vậy, ông Cường cho rằng đối tượng doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cần mở rộng đối tượng để quản lý, giám sát cả doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 50%.
Để xác định trách nhiệm cá nhân tiền vốn doanh nghiệp thất thoát, theo đại biểu, cần quy trách nhiệm cho một người. Cá nhân này có vai trò chịu trách nhiệm về bảo toàn và phát triển vốn, giao kế hoạch cho doanh nghiệp còn để doanh nghiệp thực hiện kế hoạch và tổ chức thực hiện, đánh giá và phân loại doanh nghiệp.
Nhưng ngược lại, ông Cường góp ý người đại diện chủ sở hữu phải được toàn quyền trong tổ chức bộ máy, tổ chức thực hiện và hoạt động kinh doanh. Vì vậy, quy định nhân sự chỉ nên mang tính nguyên tắc, còn việc bổ nhiệm vị trí quản lý sẽ do người đại diện vốn Nhà nước thực hiện.
Về cơ chế hiện nay về lợi nhuận chưa khuyến khích doanh nghiệp, nên đại biểu Cường cho rằng việc phân phối lợi nhuận phải để thực hiện kế hoạch được giao, còn lại phân phối cho người lao động để hưởng theo thành quả làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.
Giải trình thêm về nội dung liên quan người đại diện vốn, tân Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định người này có vai trò rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc bảo toàn, phát triển vốn tại doanh nghiệp.
Nhấn mạnh người này sẽ quyết định việc doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không, ông Thắng cho rằng phải có cơ chế quản lý, đánh giá gắn với chế độ đãi ngộ tốt.
"Chúng ta đưa ra cơ chế đánh giá rất khắt khe, người ta rất vất vả nhưng tiền lương, tiền thưởng lại bảo là cứ phải theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài. Người tài cũng không bao giờ làm hết trách nhiệm của mình", Bộ trưởng Tài chính nói.
Ông đặt vấn đề: "Một doanh nghiệp cùng ngành nghề, tại sao ở ngoài người ta trả gấp khoảng 50 đến 100 lần, còn 5-10 lần là phổ biến, còn người đại diện vốn của chúng ta thì lại rất thấp, rõ ràng như thế không được".
Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh việc quản lý, đánh giá phải rất khách quan, minh bạch và phải trao cho người đại diện đầy đủ thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo.