Nguồn lực lớn của nền kinh tế
Việt Nam bắt đầu khai thác dầu thô từ năm 1986 (mỏ Bạch Hổ ở thềm lục địa phía Nam). Tính đến hết năm 2018, toàn ngành dầu khí đã khai thác được trên 396 triệu tấn dầu/condensate (trong đó, Xí nghiệp liên doanh Vietsopetro có sản lượng khai thác dầu thô đạt trên 233 triệu tấn).
Sản lượng khai thác dầu/condensate đạt mức đỉnh với sản lượng trên 20 triệu tấn/năm vào năm 2004 bắt đầu giảm dần. Việc giá dầu suy giảm và giữ ở mức thấp từ cuối năm 2014 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác dầu khí ở cả trong nước và ngoài nước.
Hoạt động khai thác khí thiên nhiên tại Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/1981 nhưng sau năm 1995 mới có quy mô công nghiệp đáng kể với việc thu gom khí đồng hành từ các mỏ thuộc bể Cửu Long và sau đó là từ các mỏ khí tự nhiên bể Nam Côn Sơn, khí đồng hành ở ngoài khơi khu vực Nam Bộ.
Tính đến hết năm 2018, tổng sản lượng khai thác khí đạt trên 140 tỷ m3 khí. Hiện tại, các nguồn cung khí hiện hữu, một số mỏ đang suy giảm nhanh (Lan Tây/Lan Đỏ, Rồng Đôi Rồng/Đôi Tây...). Nguồn cung cấp khí trong nước dự kiến có khả năng bổ sung thêm một số mỏ có trữ lượng lớn như: mỏ Cá Voi Xanh, lô B 48/95&52/97.
Hợp đồng dầu khí Việt Nam (từ 1981 đến nay)
Năm 1981, Chính phủ Việt Nam và Liên Xô (cũ) đã ký Hiệp định liên chính phủ về thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro) về tìm kiếm thăm dò khai thác tại 2 lô thềm lục địa phía Nam.
Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro (VSP) được thành lập ngày 19/6/1981. Hai bên góp vốn ngang nhau (50/50). VSP nộp thuế tài nguyên bằng 18% sản lượng dầu xuất bán. Hàng năm, VSP nộp thuế lợi tức bằng 40% phần dầu lãi có được, sau khi trừ phần nộp thuế tài nguyên và phần dầu được thỏa thuận giữ lại để bù đắp chi phí sản xuất và đầu tư tìm kiếm thăm dò bổ sung.
Dầu lãi thực còn lại được chia 50/50 cho 2 phía tham gia VSP. Việt Nam được quyền thu hồi toàn bộ lượng khí đồng hành khai thác cùng với dầu mà không phải trả tiền cho VSP.
Đến nay, liên doanh hoạt động theo Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Nga ký ngày 27/12/2010 về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu và khí ở thềm lục địa phía nam Việt Nam, trong khuôn khổ Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định thư ký ngày 9/12/2013 và ngày 20/4/2016, với thời hạn hoạt động đến hết năm 2030. Vốn điều lệ của các bên tham gia Liên doanh gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chiếm 51% và Tổng công ty AO Zarubezhneft chiếm 49%.
Từ 1988, kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành (tháng 12/1987), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrovietnam) đã đàm phán và ký với các công ty dầu khí thuộc nhiều quốc gia tham gia Hợp đồng phân chia sản phẩm - PSC. Theo đó, nhà thầu nước ngoài hoàn toàn chịu rủi ro cho hoạt động tìm kiếm thăm dò.
Khi phát hiện thương mại, Petrovietnam có quyền lựa chọn tham gia 10% - 20% hợp đồng. Nhà thầu được thu hồi dần dần toàn bộ các chi phí đã bỏ ra (không tính lãi) cho tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác, trích từ 35% - 70% sản lượng khai thác hàng năm.
Phần dầu còn lại, sau khi trừ đi phần dầu để thu hồi chi phí gọi là “dầu lãi”, được chia cho Petrovietnam và nhà thầu theo tỷ lệ từ 65/35 đến 80/20 tùy theo mức sản lượng khai thác tăng dần. Phần dầu chia cho Petrovietnam đã bao gồm thuế tài nguyên và các khoản thuế khác mà nhà thầu phải nộp theo luật của Việt Nam.
Năm 1993, Luật Dầu khí và sau đó là các luật thuế khác được ban hành nên các PSC cũng được điều chỉnh để phù hợp với các luật. Nội dung điều khoản hợp đồng quy định về quyền lợi kinh tế của các bên được sửa đổi như sau:
Nhà thầu nộp thuế tài nguyên cho Chính phủ Việt Nam bằng 6% đến 29% sản lượng dầu khai thác hàng năm (thuế suất lũy tiến theo khung sản lượng khai thác). Nhà thầu được trích tới 50% sản lượng dầu khai thác hàng năm để thu hồi dần dần cho đến hết toàn bộ các chi phí đã bỏ ra (không tính lãi) cho tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác, bao gồm cả quỹ dự phòng cho thu dọn mỏ khi kết thúc khai thác.
Phần dầu lãi được chia cho Petrovietnam và nhà thầu theo tỷ lệ từ 40/60 đến 20/80 tùy theo mức sản lượng khai thác tăng dần. Nhà thầu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho Chính phủ Việt Nam với thuế suất từ 32% - 50% tùy theo từng hợp đồng.
Từ năm 1998, hợp đồng dầu khí tại Việt Nam được ký kết dưới các hình thức: hợp đồng chia sản phẩm; hợp đồng điều hành chung; hợp đồng liên doanh. Hợp đồng dầu khí phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Đặc điểm ngành công nghiệp khai thác dầu khí là tìm kiếm thăm dò khai thác tài nguyên dưới lòng đất và đa số ở ngoài khơi xa đất liền, chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao. Vì vậy, tham gia hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn lớn, có trình độ công nghệ cao, nên hầu hết các hợp đồng dầu khí ở Việt Nam hay ở các nước khác đều có xu hướng là hợp tác quốc tế, nhằm mục đích san sẻ rủi ro và tạo ra một lượng vốn đầu tư đủ lớn cho hoạt động của mình.
Các vấn đề về thuế đối với hoạt động dầu khí
Các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động dầu khí thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo pháp luật, bao gồm:
Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới Việt Nam có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (hiện hành là Luật số 107/2016/QH14). Các thiết bị, máy móc, vật tư loại trong nước chưa sản xuất được thì được miễn thuế theo qui định. Dầu thô, khí thiên nhiên xuất khẩu nộp thuế xuất khẩu theo mức quy định (hiện hành 10%).
Các loại thuế khác như: Thuế tài nguyên từ 6% đến 29%, lũy triến theo sản lượng khai thác. Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với sản phẩm xăng (7% đến 10%). Thuế giá trị gia tăng (GTGT) thuế suất 10% đối với dầu thô, khí thiên nhiên và các sản phẩm lọc hóa dầu, chế phẩm dầu khí. Dầu thô hoặc khí thiên nhiên xuất khẩu thì không thu thuế GTGT nhưng cũng không được khấu trừ, không được hoàn lại thuế đầu vào. Ưu đãi dành cho giai đoạn tìm kiếm, thăm dò là việc hoàn lại thuế GTGT đã nộp đối với hàng hóa, vật tư mà nhà thầu dầu khí đã mua vào để sử dụng cho tìm kiếm thăm dò trong giai đoạn chưa có phát hiện thương mại.
Thuế TNDN có thuế suất 32% đến 50%, được quy định cụ thể đối với từng hợp đồng, tùy thuộc vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ. Thuế nhà thầu nước ngoài bao gồm thuế: GTGT, TNDN, TNCN khi nhà thầu và nhà thầu phụ nước ngoài không đăng ký pháp nhân Việt Nam nhưng có các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho hoạt động dầu khí.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thuế đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, mặc dù thời gian qua cơ quan thuế Việt Nam đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp quản lý hiệu quả, song do việc tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí chủ yếu nằm ở ngoài khơi, quá trình hoạt động luôn phát sinh những tình huống cá biệt hoặc phát sinh mới, kể cả những vấn đề liên quan đến chủ quyền, lãnh thổ giữa các quốc gia khiến cho công tác quản lý còn một số khó khăn vướng mắc cần được xem xét, xử lý thỏa đáng để đảm bảo quyền lợi của cả doanh nghiệp lẫn quốc gia.
Chẳng hạn như vấn đề thuế thu nhập đối với việc nhà thầu chuyển nhượng vốn, quyền tham gia các hợp đồng dầu khí. Thuế TNDN, thuế TNCN đối với nhà thầu phụ cung cấp dịch vụ cho nhà thầu dầu khí theo điều khoản về cơ sở thường trú theo các hiệp định thuế. Vấn đề thuế TNDN đối với việc chuyển nhượng vốn/tài sản gián tiếp (chuyển nhượng của các tập đoàn đa quốc gia, có nhiều tầng nấc).
Thuế đối với trường hợp có vùng chồng lấn (bể dầu/khí liên thông xuyên lãnh thổ 2 quốc gia); thuế đối với khu vực hợp tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác chung... là những vấn đề Việt Nam rất cần có sự tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm tiến tới sự quản lý thuế đối với lĩnh vực này khoa học, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế./.
Hoạt động của công nghiệp dầu khí Việt Nam được thực hiện tại 3 lĩnh vực chủ yếu (như thông lệ quốc tế), bao gồm: Hoạt động khâu đầu có liên quan đến tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Hoạt động khâu giữa liên quan đến thu gom, vận chuyển, chế biến và phân phối sản phẩm dầu mỏ, khí thiên nhiên. Hoạt động khâu sau là hoạt động chế biến kinh doanh các sản phẩm dầu và khí. Trong 3 lĩnh vực hoạt động của ngành công nghiệp dầu khí thì hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là khâu có nhiều phát sinh khiến cho công tác quản lý nói chung và quản lý thuế nói riêng cần phải từng bước hoàn thiện. Được sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam, hiện tại Tập đoàn Dầu khí đã ký kết trên 100 hợp đồng dầu khí với các công ty trong và ngoài nước, trong đó có 62 hợp đồng dầu khí còn hiệu lực (bao gồm 10 hợp đồng dầu khí (PC), 1 hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và 51 hợp đồng chi sản phẩm (PSC) với tổng số gần 40 nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước đang tham gia các hợp đồng. Trong tổng số 62 hợp đồng dầu khí đang còn hiệu lực, có 18 hợp đồng đang trong giai đoạn khai thác, 7 hợp đồng đang trong giai đoạn chuẩn bị phát triển và phát triển, 37 hợp đồng đang trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò. |
Phương Anh