(CMO) Nguyễn Phích là xã có địa bàn rộng nhất của huyện U Minh, nhiều ấp nằm trên khu vực lâm phần, cùng với đó là hệ thống sông ngòi chằng chịt. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là thách thức rất lớn. Với sự đầu tư của Nhà nước, từ công tác xã hội hoá, đặc biệt là huy động sức dân, đến nay kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn xã tương đối hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đổi thay từ những tuyến đường mới
Xây dựng giao thông nông thôn đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Do đó, trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới, giao thông luôn là tiêu chí khó mà mỗi địa phương gặp phải. Điều đáng ghi nhận là nhiệm kỳ qua, xã Nguyễn Phích đã đạt được tiêu chí này, đó là kết quả rất phấn khởi đối với một xã còn nghèo như Nguyễn Phích.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích Lê Trung Kiên cho biết: “Toàn xã hiện có 656 km đường liên xã, liên ấp, trục xóm, nhánh, trong đó đường liên xã 45 km đã được nhựa hoá, bê-tông hoá 100%; đường trục ấp và liên ấp 169 km đã được cứng hoá, đảm bảo xe đi lại quanh năm, chiều rộng mặt đường từ 2-2,5 m là 135,5 km, đạt 79,8%; đường ngõ xóm, nhánh 442 km được san lấp bằng phẳng, thông thoáng và không lầy lội vào mùa mưa. Hệ thống giao thông này đã phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao thương hàng hoá của người dân”.
Ông Châu Văn Thừa, Ấp 3, chia sẻ: “Hệ thống cầu, lộ hiện nay phát triển gấp hàng trăm lần so với trước đây. Ấp nào cũng có lộ, ấp liền ấp, xóm liền xóm. Xã Nguyễn Phích có rất nhiều kênh rạch, bởi vậy khi làm đường xong có những chiếc cầu bắc qua, rất thuận tiện cho Nhân dân đi lại”.
Hội đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh tài trợ xây dựng hàng chục cây cầu nông thôn trên địa bàn xã. |
Ông Phạm Tư, Ấp 1, bộc bạch: “Từ khi có tuyến lộ, người dân thuận lợi trong vận chuyển, buôn bán hàng hoá. Trước đây muốn mua hàng hoá hoặc nhu yếu phẩm sinh hoạt phải đi bằng phương tiện thuỷ đến chợ U Minh mất hơn 30 phút, còn bây giờ có lộ rồi, hàng ngày có ít nhất 10 tiểu thương buôn bán hàng hoá tới nhà, rất thuận tiện. Tuyến lộ khang trang, mỗi hộ gia đình ở đây cùng nhau xây dựng tuyến đường ánh sáng đường quê nhằm đảm bảo an toàn giao thông”.
Điều dễ nhận thấy nhất là lộ giao thông đến đâu, đời sống Nhân dân phát triển đến đó. Người dân thuận lợi buôn bán làm ăn, chỉnh trang xây cất nhà cửa, tạo diện mạo tươi mới cho vùng quê. Nhiều hộ còn trồng hàng rào cây xanh, hoa kiểng theo các tuyến lộ, chung sức cùng thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới.
Vai trò công tác xã hội hoá
Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, công tác xã hội hoá đóng vai trò rất lớn trong xây dựng cầu, lộ trên địa bàn xã Nguyễn Phích thời gian qua. Không chỉ vận động xây cầu, các nhà hảo tâm còn vận động xây dựng cả tuyến đường cho người dân trên địa bàn.
Cầu kênh Khai Hoang nối liền 2 bờ sông Cái Tàu. |
Ông Lê Trung Kiên cho biết: “Nhiệm kỳ qua, xã Nguyễn Phích được Hội đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng tuyến lộ Cựa Gà, từ Rạch Chệt đến Rạch Sộp, dài 1 cây số, tổng vốn đầu tư 140 triệu đồng. Ngoài ra còn có hàng chục cây cầu được xây dựng hoàn toàn từ công tác xã hội hoá”.
Ông Trần Văn Nhì, Ấp 1, cho biết: “Tuyến lộ được xây dựng xong nhưng chưa có cầu, nhờ Hội đồng hương vận động hỗ trợ được cây cầu, dân chúng tôi rất mừng. Học sinh đi học dễ dàng, cuộc sống thoải mái hơn”.
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ, Trưởng ban Liên lạc đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu, chia sẻ: “Được các mạnh thường quân tin cậy giao phó, khi về hưu tôi vận động xây dựng được một số cây cầu, nhà ở cho gia đình chính sách và người nghèo. Chúng tôi cũng dành những tình cảm đặc biệt cho U Minh nói chung và xã Nguyễn Phích nói riêng, vì đây là vùng căn cứ cách mạng, đã chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh. Chính vì vậy, thời gian tới tôi sẽ cố gắng vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương”.
Người dân trồng hoa kiểng, hàng rào cây xanh góp phần xây dựng nông thôn thêm khởi sắc. |
Các em học sinh phấn khởi đến trường trên tuyến lộ mới. |
Huy động sức dân
Đạt được kết quả vượt bậc trong xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã thời gian qua chính là nhờ huy động sức dân cùng tham gia. Ông Lê Trung Kiên thông tin: “Khi cần triển khai công trình có người dân tham gia, UBND xã tổ chức họp dân bàn bạc, có văn bản thống nhất chủ trương, cách thức vận động cũng như mức đóng góp cụ thể đối với từng đối tượng, từng công trình. Đồng thời, tranh thủ người cao tuổi, người có uy tín để tuyên truyền, vận động các hộ dân tích cực tham gia”.
Hiện nay, mặc dù xã được công nhận đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới, nhưng đường giao thông cần đầu tư trong những năm tiếp theo là 442 km đường nhánh xóm, nhất là các ấp trên lâm phần chưa có lộ cứng hoá còn khá nhiều.
Ông Lê Trung Kiên cho biết: “Xã tiếp tục vận động Nhân dân tự nguyện hiến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc và đóng góp kinh phí thực hiện các công trình cầu, lộ nông thôn trên địa bàn xã. Khi triển khai thực hiện các công trình với phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, dù lớn hay nhỏ đều phải tổ chức lấy ý kiến Nhân dân nơi có công trình đi qua. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng để được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực từ người dân”./.
Trọng Nguyễn - Trần Chương