Tòa nhà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Bất ngờ trước tình trạng lạm phát kéo dài khi đối mặt với chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất kể từ những năm 1980, Kashkari và một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khác đã ủng hộ tăng lãi suất trở lại trong những ngày gần đây, với triển vọng diều hâu về lãi suất.
Khi làm như vậy, họ cũng có thể vô tình tạo tiền đề cho cuộc khủng hoảng thị trường tiếp theo và sự can thiệp của FED, ngược lại, ngầm thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Các nhà giao dịch tương lai lãi suất hiện đang đặt cược FED sẽ đưa ra đợt tăng lãi suất thứ 11 liên tiếp vào tháng 6 tới, một sự đảo ngược so với đặt cược vào việc FED tạm dừng tăng trong tháng 6 kể từ lần tăng cuối cùng vào ngày 3/5/2023. Các nhà phân tích tại LHMeyer, những người trước đây cho rằng FED đã hoàn thành việc tăng lãi suất, cũng cho biết họ hiện thấy FED có thể sẽ tăng lãi suất thêm hai bậc nữa, lên 5,6%, trước khi dừng lại. |
Vì vậy, nỗ lực của FED nhằm hướng nền kinh tế đến ngưỡng "hạ cánh mềm" trong khi vẫn duy trì sự ổn định tài chính, thay vì làm tăng khả năng biến nó thành một cú “hạ cánh khẩn cấp” hoặc “một đường trượt dài hơn, hỗn loạn hơn xuống mặt đất”.
Raghuram Rajan - cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, kiêm giáo sư tài chính tại Chicago Booth, cho biết: “Nếu họ (FED) tăng lãi suất chính sách ngắn hạn, rõ ràng, tại một thời điểm nào đó, sẽ gây ra nhiều sự đổ vỡ hơn”. Xác suất hạ cánh mềm? “Rất nhỏ” - Rajan nói.
Trong năm qua, lãi suất đã tăng nhanh sau hơn một thập kỷ lãi suất gần như bằng 0 đã phơi bày những thương vụ cá cược đầy rủi ro và mô hình kinh doanh không hiệu quả.
Căng thẳng đã bùng lên ở các bộ phận khác nhau của hệ thống tài chính toàn cầu, từ sự bùng nổ của bong bóng tiền điện tử một năm trước cho đến sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng khu vực của Mỹ vào tháng 3 vừa qua.
Mặc dù không rõ cơn bão tiếp theo sẽ tấn công thị trường ở đâu, nhưng có rất nhiều nguồn dễ bị tổn thương, từ bất động sản thương mại đến quỹ thị trường tiền tệ.
Các thị trường đã ổn định trở lại kể từ khi biến động tồi tệ nhất của ngành ngân hàng qua đi. Các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn có khả năng phục hồi cũng khiến nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng, FED có thể giảm lạm phát mà không gây ra quá nhiều thiệt hại hoặc bất ổn kinh tế.
Ngân hàng trung ương Mỹ đặt mục tiêu lạm phát 2% trong năm 2023. Ảnh: Reuters |
Đầu tháng này, Chủ tịch FED Jay Powell cho biết, chính sách tiền tệ và các công cụ ổn định tài chính của FED đang "kết hợp tốt với nhau", cho phép cơ quan này hỗ trợ các ngân hàng và theo đuổi mục tiêu ổn định giá cả. Nhưng, một số nhà đầu tư trên thị trường tin rằng không chỉ lĩnh vực ngân hàng khu vực vẫn đang gặp căng thẳng, mà nhiều rủi ro khác đối với sự ổn định tài chính cũng vẫn còn.
Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể khiến chúng bùng nổ hoặc làm trầm trọng thêm tác động của các cú sốc khác, chẳng hạn như các cuộc đàm phán về trần nợ. Những đợt bùng phát đó có thể buộc phải can thiệp nhiều hơn, bù đắp một phần cho chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.
Wendy Edelberg - Giám đốc Dự án Hamilton tại Viện Brookings, cho biết: “FED không muốn thực hiện chính sách tiền tệ thông qua các cuộc khủng hoảng tài chính. Vì vậy, họ phải ‘xỏ chỉ luồn kim’ nếu họ thấy hành động của mình tạo ra khủng hoảng. Sau đó, họ cần giảm thiểu điều đó".
Sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) vào tháng 3, FED đã phải can thiệp với hàng chục tỷ đô la hỗ trợ khẩn cấp cho hệ thống ngân hàng. Một số lập luận rằng, trên thực tế FED đã chống lại các động thái thắt chặt chính sách của chính họ.
James Tabacchi - Giám đốc điều hành của công ty môi giới chứng khoán South Street Securities, cho biết: "Thị trường đang bối rối không biết FED đang thắt chặt hay nới lỏng. Chúng tôi cố gắng làm theo những gì họ sẽ làm. Và ngay bây giờ, thị trường không biết FED sẽ làm theo hướng nào”.
Những cú sốc hệ thống có thể đến từ cả những con đường đã biết và bất ngờ. Trong báo cáo ổn định tài chính gần đây nhất vào đầu tháng này, FED đã liệt kê một số lĩnh vực cần quan tâm, bao gồm bảo hiểm nhân thọ và một số loại trái phiếu và quỹ cho vay.
Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis đã chỉ ra các thị trường tư nhân, nơi mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro sẽ được hạn chế, nhưng sự thiếu minh bạch có nghĩa là các quan chức không hiểu đầy đủ về mức độ đặt cược dựa trên nợ đã được thực hiện. Cũng không phải lúc nào cũng rõ ràng các tổ chức tài chính được kết nối với nhau như thế nào.
Ông Kashkari nói: “Có rất nhiều điều phức tạp ngoài kia mà chúng ta không có tầm nhìn rõ ràng. Thật không may, điều đó có thể không được tiết lộ cho đến khi có một vấn đề thực sự xảy ra".
Cuối tuần trước, các nhà hoạch định chính sách của FED đã nhận được một lượng dữ liệu kinh tế mạnh bất ngờ của Mỹ, củng cố khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để giảm lạm phát cao dai dẳng. Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ đã tăng 0,8% trong tháng 4 so với tháng 3 là một tin tốt, cho thấy nền kinh tế không đứng trước nguy cơ suy thoái, nhưng gây khó chịu cho các nhà hoạch định chính sách đang cố hạ nhiệt nền kinh tế để có thể giảm bớt áp lực tăng giá. Sự gia tăng lạm phát lõi cơ bản lên 4,7% của tháng 4, từ tốc độ 4,6% trong tháng 3, đã nhấn mạnh tiến trình kém ổn định trong cuộc chiến chống lạm phát của FED. Ngân hàng trung ương Mỹ nhắm mục tiêu lạm phát 2%. |