【kèo betis】U70 vẫn làm kinh tế giỏi
(CMO) Ông Nguyễn Văn Tưa (sinh năm 1941), ấp Rau Dừa B, xã Hưng Mỹ, dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn đam mê nghề trồng mai kiểng, bỏ túi vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Có gần 1,5 ha đất nuôi tôm quảng canh, trồng mía nhưng không đủ trang trải đời sống gia đình 8 nhân khẩu vì giá cả bấp bênh, thất mùa. Thấy cây mai vàng dễ trồng, không nặng công chăm sóc lại bán được giá, ông mạnh dạn phá mía, cải tạo 2.000 m2 đất trồng 300 gốc mai. Quyết định này lúc ấy nhiều người cho là vô cùng mạo hiểm và bước đầu ông cũng gặp không ít khó khăn vì cây giống ở địa phương chưa có, phải đến các tỉnh trên mua. Trồng mai vàng thời gian thu hoạch khá lâu, nhưng với sự nhạy bén, cần cù, ông trồng xen canh vườn mai các loại rau màu ngắn ngày và thanh long, xoài, ổi… với mục đích lấy ngắn nuôi dài trong quá trình đợi thu hoạch từ cây mai.
Vậy là, mỗi tháng ông có khoảng 5 triệu đồng từ rau, trái cây, đủ để trang trải đời sống gia đình, yên tâm chăm sóc vườn mai. Với niềm đam mê cây kiểng vốn có, lại thường xuyên tham khảo sách báo dạy cách tạo dáng, sửa cành, ông đã tạo ra nhiều dáng mai đẹp mắt bán ra thị trường. Vườn mai của ông dần dần được nhiều người biết đến, đặt mua. Với giá bán trung bình từ 4-8 triệu đồng/gốc tuỳ dáng mai, hằng năm ông cung cấp ra thị trường hơn 30 gốc, thu về trên 170 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng mai của mình, ông cho biết, người trồng mai phải hết sức khéo tay, chăm chút tỉ mỉ, tham khảo sách báo trong quá trình tạo dáng, sửa cành thì mai mới đẹp, bán được giá.
Cho cá ăn là công việc hằng ngày của ông Tưa. |
Đời sống gia đình ông đã ổn định, nhưng với suy nghĩ còn sức thì còn làm, cộng với bản tính cần cù của người nông dân, ông quyết không để đất trống. Ngoài 1.500 m2 đất nuôi tôm quảng canh, ông còn tận dụng 4.000 m2 đất sau vườn cải tạo 2 ao nuôi cá tra, bống tượng, thát lát… kết hợp nuôi heo, gà, vịt. Nhờ áp dụng đúng khoa học - kỹ thuật nên mô hình chăn nuôi của gia đình ông luôn cho năng suất cao, mỗi năm lợi nhuận gần 150 triệu đồng.
Như vậy, từ mô hình kinh tế của gia đình, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm ông bỏ túi trên 300 triệu đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm làm ăn, ông Tưa cho biết, là nông dân phải không ngừng tăng gia lao động sản xuất, hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng kết hợp các loại hình chăn nuôi, trồng trọt thì mới đem lại lợi nhuận cao.
Ông Tưa tạo dáng cho mai. |
Với tâm niệm “lao động là vinh quang”, đến nay, dù đã bước sang tuổi 77 nhưng ông Tưa vẫn ngày ngày hăng say lao động, làm giàu chính đáng bằng đôi tay, khối óc của mình. Ngoài ra, ông còn giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn, cho cây giống, cá giống, hướng dẫn cách trồng cây, nuôi cá khi ai có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Những đóng góp của ông đáng ghi nhận nên được bà con tin tưởng giao nhiều việc: Uỷ viên Thường vụ Hội Sinh vật cảnh tỉnh Cà Mau, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xã Hưng Mỹ và những bằng khen nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Điều đáng nói là 6 người con của ông đều yên bề gia thất, có cuộc sống ổn định. “Với tôi, vườn mai, ao cá là tài sản lớn nhất. Tôi không ngừng cải tiến, phát triển mô hình của gia đình để con cháu noi theo xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống”, ông Tưa tâm sự.
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Mỹ Nguyễn Văn Thơ thông tin: “Ở tuổi như ông Tưa còn tăng gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình là rất đáng trân trọng. Với phẩm chất tốt đẹp, nhiệt tình giúp đỡ mọi người, ông xứng đáng là cây cao bóng cả cho thế hệ trẻ học hỏi, noi gương”./.
Võ Thảo