Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng - Ảnh: N.AN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Đồng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - cho rằng đây là dự luật có vai trò hết sức quan trọng.
Đặc biệt khi vừa qua để xảy ra tình trạng sở hữu chéo, điển hình như vụ việc Vạn Thịnh Phát diễn ra trong thời gian dài.
"Một số cá nhân chiếm dụng tiền, nhưng các cơ quan chức năng chậm phát hiện, đặc biệt đoàn thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, cả 100% thành viên bắt tay, nhận hối lộ, gây mất uy tín cho ngành ngân hàng" - ông Đồng nói.
Quy định rõ trách nhiệm giám sát hoạt động thanh tra
Do đó, ông cho rằng công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, theo dõi dòng tiền như vậy là có vấn đề.
Vì vậy, trong sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này, cần phải rà soát và triệt tiêu cho được sở hữu chéo.
Đánh giá về dự thảo, ông Đồng cho rằng dù đã có quy định để hạn chế, khống chế sở hữu chéo, tuy nhiên dự thảo quy định chưa đánh giá và kiểm soát được đầy đủ hành vi tinh vi, luồn lách của các đại gia trong sở hữu chéo. Như vụ Vạn Thịnh Phát là tình trạng mượn nhờ người này người khác đứng tên để thâu tóm, lập nên các công ty ma để lũng đoạn.
Theo ông Đồng, việc xác định trách nhiệm, theo kết luận điều tra, trách nhiệm chính để xảy ra vụ việc này là đoàn thanh tra, còn cơ quan quản lý cấp trên quản lý việc thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng thì trách nhiệm thế nào?
"Liệu có để xảy ra tình trạng thiếu kiểm tra giám sát, thiếu hướng dẫn, thiếu minh bạch, thiếu trách nhiệm, gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy hay không?" - ông Đồng đặt câu hỏi.
Do đó, theo ông, quy định của dự thảo luật cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý thanh tra, giám sát để bịt hết các lỗ hổng.
Biện pháp quản lý phải có tính răn đe, phòng ngừa, giáo dục, có quy định đủ mạnh, không để buông lỏng quản lý, vi phạm quy mô lớn xảy ra trong thời gian dài nhưng không kịp thời phát hiện.
Cần rõ thời điểm xử lý dứt điểm tổ chức tín dụng yếu kém
Về tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức tín dụng, vị đại biểu đoàn Quảng Trị bày tỏ băn khoăn khi diễn ra trong ba nhiệm kỳ nhưng vẫn rất chậm trễ. Điều này cho thấy việc tuân thủ nghị quyết, chấp hành quy định chưa nghiêm, đặc biệt trong kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm.
Ông Đồng đề nghị cần có thời hạn cụ thể trong xử lý dứt điểm ngân hàng yếu kém, rõ trách nhiệm để việc xử lý hiệu quả hơn.
Đặc biệt liên quan đến trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, ông Đồng bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của cơ quan này. Lý do là việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn có những quy định cứng nhắc, ảnh hưởng tâm lý cán bộ trong triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, ông cho rằng Ngân hàng Nhà nước là thành viên của Chính phủ, là cơ quan tham mưu trực tiếp, cần tìm ra tồn tại, bất cập của chính sách trong quá trình xử lý ngân hàng yếu kém để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ví dụ như nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu yêu cầu xử lý nợ xấu nhưng phải bảo toàn vốn, theo ông là rất khó khăn. Bởi đã là nợ xấu, khi xử lý phải chấp nhận thiệt hại, thu hồi ở mức nào cho phù hợp, còn nếu quy định phải bảo toàn vốn thì "không ai dám làm". Do đó, cần có quy định cho phù hợp.
Ngoài ra, với chính sách chưa đủ mạnh và chưa rõ ràng, việc xử lý nợ xấu hiện nay, theo ông Đồng, sẽ tiếp tục có nguy cơ khiến nợ xấu phình to hơn và không thể xử lý rốt ráo. Vì vậy, ông cho rằng cần phải khoanh và phân loại nợ xấu, nhóm nào do chủ quan, nhóm nào do khách quan để xử lý cho rành mạch, gắn với chế tài thực hiện để tính khả thi cao hơn./.
Theo TTO
Nguồn: https://tuoitre.vn/dai-bieu-quoc-hoi-vu-van-thinh-phat-trach-nhiem-co-dung-lai-o-doan-thanh-tra-20231124124522037.htm