Khẩu trang cà phêcủa doanh nghiệp này có 2 phần: vỏ ngoài giới thiệu được dệt bằng sợi cà phê ôm sát khuôn mặt, người dùng có thể giặt lại để tái sử dụng và phần màng lọc kháng khuẩn có thành phần từ cà phê, ion bạc và vật liệu phân hủy sinh học dùng được trong 30 ngày. Sau đó, người dùng phải mua phần màng lọc mới để khẩu trangcó chức năng kháng khuẩn. Tại Việt Nam, khẩu trang cà phê có giá 199.000 đồng/cái (đã có 1 màng lọc), phần màng lọc bán riêng có giá 60.000 đồng/cái. Trong khi đó, trên thị trường các loại khẩu trang vải kháng khuẩn tái sử dụng 30 lần chỉ quanh mức 10.000 đồng/cái.
Khi phóng viên đem chuyện khẩu trang cà phêgiá gần 200.000/cái thắc mắc với anh Lê Thanh, nhà sáng lập, giám đốc Công ty cổ phần Veritas Shose Việt Nam, nhà sản xuất sản phẩm trên thì được trả lời ngay: Giá này là rẻ nhất thế giới rồi!
Theo anh Thanh, từ tháng 3 đến nay, số lượng khẩu trang cà phê doanh nghiệp này tung ra thị trường hơn 500.000 cái, trong đó 95% là xuất khẩu, chỉ có 5% được bán nội địa.
"Ở Đức, sản phẩm này có giá từ 20 – 25 Euro/cái (khoảng 540.000 - 670.000 đồng), ở Nhật Bản giá bán là 15-17 USD/cái (khoảng 315.000 – 391.000 đồng). Từng có khách hàng ở Hàn Quốc và Ý mua sản phẩm của chúng tôi làm mẫu để tự sản xuất nhưng không thành nên vẫn nhập sản phẩm của doanh nghiệp chứng tỏ để làm khẩu trang cà phê không dễ" – anh Thanh tiết lộ.
Hiện tại, phần vỏ khẩu trang làm từ sợi cà phê nhập của Đài Loan (Trung Quốc) rồi dệt thành khẩu trang. Riêng phần màng lọc là do DN nghiên cứu phát triển, sản phẩm có khả năng tự phân hủy, trong đó, cà phê chiếm 9,5% chưa loại bỏ tinh dầu nên giữ được mùi cà phê đặc trưng.
Khởi nghiệp từ năm 2015 tại Canada với mặt hàng giày tây và ứng dụng Scan Fit để đóng giày đúng kích cỡ của từng người. Năm 2018, Lê Thanh được cư dân mạng đặt tên là "soái ca đóng giày 4.0" khi tham gia chương trình Shark Tankvà gọi vốn được 4 tỉ đồng. "Nhưng thị trường giày tây ngày càng thu hẹp, DN phát triển thêm dòng giày sneaker tiện dụng cho giới trẻ, vừa đi làm, vừa đi chơi. Hướng đến dòng thời trang bền vững với môi trường, chúng tôi tìm kiếm vật liệu tái chế và cuối cùng chọn cà phê – nguyên liệu đậm dấu ấn Việt Nam." – anh Thanh chia sẻ.
Ưu điểm của cà phê là có tính kháng khuẩn tự nhiên, rất an toàn (đã qua kiểm định) và rất rẻ. Nguyên liệu thải ra từ các nhà máy sản xuất cà phê (vỏ lụa, bã cà phê) và các quán cà phê là rất lớn tại Việt Nam, DN chỉ đến mang về sản xuất, không phải trả tiền. Từ giày sneaker làm từ bã cà phê, cuối năm 2019, DN đã có kế hoạch phát triển thêm sản phẩm, trong đó có khẩu trang khi nhu cầu đeo để che nắng, chống bụi rất lớn.
Đến tháng 3-2020, khi Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, khẩu trang lên cơn sốt thì DN quyết định sản xuất chính thức. "Mọi thứ đều có sẵn ở mảng giày, việc sản xuất khẩu trang cà phê rất thuận lợi, chỉ cần thay mẫu thiết kế là máy chạy. Đầu tiên chúng tôi cung cấp cho nội bộ, các khách hàng mua giày và nhận được phản hồi rất tốt. Việc xuất khẩu cũng đến rất nhanh sau đó. Đây là sản phẩm dân dụng, thời trang nên thủ tục xuất nhập khẩu khá đơn giản. Do đăng ký là khẩu trang kháng khuẩn nên DN chỉ cần giám định hoạt tính kháng khuẩn và có kết quả đạt theo tiêu chuẩn của Mỹ (AATCC 100) là được."- anh Thanh cho biết.
Bán sợi cà phê cho các đại gia thời trang
Dù thành công với khẩu trang cà phê nhưng anh Thanh xác định đây chỉ là mặt hàng "thời vụ", DN đang hướng đến mục tiêu bán sợi cà phê để có thị trường lớn hơn. "Thay vì làm ra sản phẩm, xây dựng thương hiệu để cạnh tranh với các hãng thời trang nổi tiếng thế giới, DN sẽ cung cấp nguyên liệu cho họ. Chúng tôi đang cố gắng hoàn chỉnh quy trình sản xuất, từ nay đến cuối năm sẽ đăng ký sở hữu trí tuệ toàn cầu sợi cà phê phân hủy sinh học do DN phát triển." – anh Thanh tiết lộ.