Thêm nhiều điểm mới trong Thông tư 22
Theo Cục QLBH, thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới ban hành theo Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 của Chính phủ và các văn bản, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, các DNBH đã giải quyết bồi thường hàng chục nghìn vụ tai nạn giao thông, góp phần bù đắp những tổn thất, mất mát về người và tài sản, qua đó thể hiện rõ tính chất nhân văn của chính sách này. Các DNBH đã bồi thường gần 80.000 vụ tai nạn giao thông, với tổng số tiền bồi thường hơn 3.300 tỷ đồng. Trong đó, bồi thường thiệt hại về người là gần 1.000 tỷ đồng cho hơn 7.700 người bị chết và gần 26.000 người bị thương, bồi thường thiệt hại về tài sản là trên 2.300 tỷ đồng và phần lớn là tài sản của người bị tai nạn.
Cũng theo Cục QLBH, để tiếp tục hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 22 trên cơ sở kế thừa các quy định tại Thông tư 126/2008/TT-BTC và Thông tư 151/2012/TT-BTC, Thông tư 43/2014/TT-BTC về quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo BH bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới và hướng đến những thay đổi theo hướng minh bạch hóa, đơn giản thủ tục hành chính và đảm bảo an toàn tài chính cho DNBH và quyền lợi tốt nhất cho chủ xe.
Đánh giá về Thông tư 22, nhiều DNBH cho rằng, Thông tư đã đơn giản hóa thủ tục bồi thường, đối với những thiệt hại ước tính dưới 10 triệu đồng khi giao cho DNBH chủ động giải quyết, qua đó giảm bớt thủ tục cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo phòng chống gian lận bảo hiểm.
Với mức trách nhiệm bồi thường BH được nâng lên. Cụ thể, thiệt hại về người 100 triệu đồng/người/vụ tăng thêm 43% (so với 70 triệu đồng hiện nay); thiệt hại về tài sản đối với chủ xe mô tô là 50 triệu đồng/người/vụ, tăng 20%; thiệt hại về tài sản đối với chủ xe ô tô là 100 triệu đồng/người/vụ, tăng 43%... cũng phù hợp với thực tế hiện nay.
Có thể thấy, mặc dù mức trách nhiệm bảo hiểm tăng cao, tuy nhiên mức phí bảo hiểm hầu hết được giữ nguyên và chỉ tăng từ 10% đến 20% phí bảo hiểm đối với 13 dòng xe có tỷ lệ rủi ro cao. Đặc biệt, TT 22 thay thế toàn bộ bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường bảo hiểm, tăng từ 221 lên 827 trường hợp thương tật (tăng 374%), tạo thuận lợi cho DNBH trong việc chi trả bồi thường.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Phát biểu tại đây, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm (QLBH) Bộ Tài chính Phùng Ngọc Khánh cho biết: trong bối cảnh nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cao như hiện nay, việc ban hành Thông tư 22 thay thế các Thông tư đã có là cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, việc nâng mức bồi thường theo Thông tư này cùng với đó là giảm bớt thủ tục hành chính sẽ góp phần tạo thuận lợi hơn cho chủ xe. Cục trưởng Phùng Ngọc Khánh cũng đề nghị trong quá trình triển khai, các DNBH cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và các đơn vị liên quan giải quyết thủ tục bồi thường nhanh chóng nhưng đúng quy định mà vẫn đảm bảo việc phòng chống gian lận, trục lợi bảo hiểm.
DNBH cũng cần bàn cách thức phối hợp với nhau để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, vận động người dân tham gia bảo hiểm, thống nhất về các thủ tục bồi thường theo hướng đơn giản hóa, lãnh đạo Cục QLBH đề xuất.
Chỉ còn vài ngày nữa Thông tư 22 sẽ có hiệu lực và được triển khai trong phạm vi cả nước. Ghi nhận tại các cuộc Hội thảo được tổ chức trên cả 3 miền, mặc dù vẫn còn một số vướng mắc khi triển khai thực hiện Thông tư 22 nhưng các DNBH đã có sự đồng thuận và sẵn sàng để thực hiện Thông tư này ngay khi Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/4/2016.
Giải đáp nhiều ý kiến của các DNBH tại Hội nghị, Lãnh đạo Cục QLBH, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các DNBH để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 22/2016/TT-BTC.