Cá ngừ xuất khẩu đang tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: T.H |
Sau khi giảm liên tục trong nửa đầu năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam bắt đầu hồi phục từ tháng 7 và có tăng trưởng 2 con số từ tháng 9, nhờ XK tôm duy trì tăng ổn định và các sản phẩm hải sản cũng có tín hiệu khả quan từ tháng 8.
Sau khi tăng 10% trong tháng 9, tăng 12% trong tháng 10 đạt mức đỉnh 919 triệu USD, XK thủy sản tháng 11/2020 tiếp tục tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019 đạt 868 triệu USD. Nhờ sự hồi phục trong 3 tháng gần đây, XK thủy sản đến cuối tháng 11 chạm mức tương đương cùng kỳ năm 2019 là trên 7,8 tỷ USD. Dự báo XK thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 với 8,58 tỷ USD.
Trong số mặt hàng thuỷ sản XK, tôm là mặt hàng chủ lực có mức tăng trưởng 2 con số từ tháng 6 và tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10, sang tháng 11 tiếp tục tăng 28% đạt 395 triệu USD.
Tính đến hết tháng 11/2020, XK tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Với mức duy trì tốt như hiện nay, XK tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. Do dịch Covid-19 vẫn căng thẳng trên thế giới nên xu hướng tiêu thụ tại các thị trường vẫn tập trung vào tôm chân trắng, size cỡ nhỏ cho phân khúc bán lẻ. Do vậy, XK tôm chân trắng chiếm 72% giá trị XK tôm trong năm nay, ước đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2020, trong khi tôm sú chỉ đạt 616 triệu USD, chiếm 16% và tôm biển chiếm 12% đạt 462 triệu USD.
XK cá tra giảm sâu từ tháng 3 đến tháng 9 với mức giảm từ 17 – 35% so với cùng kỳ năm 2019. Từ tháng 10, giá cá tra XK khả quan hơn, kim ngạch XK tăng mạnh so với những tháng trước, và so với cùng kỳ mức sụt giảm chỉ còn 5%, sang tháng 11 giảm nhẹ 4% đạt khoảng 168 triệu USD. Lũy kế đến cuối tháng 11/2020, XK cá tra đạt 1,34 tỷ USD, giảm 24%. Ước tính XK cá tra cả năm sẽ đạt khoảng 1,54 tỷ USD, giảm 23% so với năm 2019.
Đối với mặt hàng hải sản, kim ngạch XK giảm sâu trong tháng 3 và tháng 5 (giảm lần lượt 47% và 20%), sau đó hồi phục dần, bắt đầu có tăng trưởng dương từ tháng 8. Sau khi tăng mạnh 15% trong tháng 9, XK tăng 2% trong tháng 10 và tiếp tục tăng 8% trong tháng 11 đạt khoảng 305 triệu USD. Tính đến hết tháng 11, tổng XK hải sản của Việt Nam đạt trên 2,9 tỷ USD, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính XK hải sản cả năm 2020 đạt gần 3,2 tỷ USD, gần tương đương với năm 2019.
Trong các mặt hàng hải sản XK, cá ngừ và mực, bạch tuộc đều có tín hiệu tốt từ tháng 9. Trong đó cá ngừ tăng trưởng 5-15% trong 3 tháng qua sau khi sụt giảm liên tục ở mức 23-32% trong 5 tháng trước đó. Riêng tháng 11 XK cá ngừ tăng 6% đạt 63 triệu USD, đưa kết quả 11 tháng lên 605 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ. Ước tính XK cá ngừ cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 720 triệu USD, giảm gần 8%.
XK mực, bạch tuộc tăng từ 9 đến 22% trong 4 tháng qua, trong đó trong tháng 11 tăng 9% đạt 57 triệu USD, đưa kết quả XK 11 tháng lên 510 triệu USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ. Ước XK cá ngừ năm 2020 sẽ đạt khoảng 565 triệu USD, giảm 2% so với năm 2019.
XK các loại cá biển khác trừ cá ngừ tăng 8% trong tháng 11 đạt 154 triệu USD, đưa kết quả XK 11 tháng lên 1,53 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính XK các loại cá biển cả năm 2020 đạt khoảng 1,68 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2019.
Trong top 6 thị trường XK chính, trong tháng 11, thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc đều có tăng trưởng dương lần lượt là 25%, 30% và 15%. Trong đó, XK sang Mỹ từ tháng 6 tăng mạnh với mức tăng cao hơn qua các tháng. Lũy kế hết tháng 11, XK thủy sản sang thị trường này đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính cả năm XK thủy sản sang Mỹ đạt 1,65 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2019.
Thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9 với mức tăng 19-30%. Lũy kế 11 tháng, XK sang EU đạt 900 triệu USD, giảm 3,8%. Ước tính XK sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 đạt khoảng 992 triệu USD, giảm 2,4% so với năm 2019.
XK thủy sản sang Trung Quốc tháng 11 tăng 19% sau khi tăng 27% và 16% trong tháng 9 và tháng 10. Lũy kế XK sang Trung Quốc 11 tháng năm 2020 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 3,4% và cả năm 2020 ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng gần 5%. Thị trường này đang có động thái kiểm soát chặt NK thủy hải sản do lo sợ lây nhiễm Covid, do vậy, mức tăng XK sang Trung Quốc dự báo thấp hơn trong những tháng tới.