Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật do phong, để họ tham gia hoà nhập cộng đồng bền vững và có thể tự thân vận động trong cuộc sống là một trong những việc làm thiết thực của công tác phòng, chống phong tại Cà Mau.
"Năm 2012, Bộ Y tế kiểm tra và công nhận hoạt động phòng, chống bệnh phong trên địa bàn tỉnh Cà Mau đạt các tiêu chí loại trừ bệnh phong trên quy mô toàn tỉnh. Tuy nhiên, số người khuyết tật do phong vẫn còn nhiều. Vì vậy, chiến lược phòng, chống bệnh phong cần phải phù hợp với tình hình mới. Dự án "Phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do phong" được triển khai từ năm 2013 không chỉ góp phần kiểm soát bệnh phong tại Cà Mau, mà còn chuyển nguồn lực từ phòng, chống sang dịch vụ phòng ngừa tàn tật và phục hồi do phong", Bác sĩ Ngô Thanh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội tỉnh, cho biết.
Người khuyết tật do phong được hỗ trợ xe lăn. |
Mục tiêu của dự án là cung cấp các dịch vụ chăm sóc người khuyết tật do phong lồng ghép vào dịch vụ phục hồi khuyết tật chung có sẵn tại Cà Mau. Thông qua hoạt động của dự án, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật do phong trong tỉnh. Phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ phục hồi như dạy nghề cho người khuyết tật, phục hồi chức năng, vay vốn... hỗ trợ người khuyết tật.
Từ đó, cải thiện sự tiếp cận của người khuyết tật do phong với các dịch vụ phục hồi chức năng chung, phục hồi kinh tế vươn lên trong cuộc sống. Cải thiện sự chấp nhận của cộng đồng đối với người khuyết tật do phong nói riêng và người khuyết tật nói chung. Gia tăng sự tham gia của người khuyết tật do phong và người khuyết tật vào việc đưa ra các quyết định.
Dự án được bắt đầu xây dựng mô hình nhóm tự lực tại xã Trí Phải (huyện Thới Bình), xã Nguyễn Phích (huyện U Minh), xã Tắc Vân (TP Cà Mau). Thông qua nhóm tự lực, người khuyết tật sẽ được hướng dẫn chăm sóc tàn tật, chăm sóc y tế, được tập huấn kỹ thuật, học hỏi các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện sức khoẻ của mình.
Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động thiết thực trong việc hỗ trợ cho người khuyết tật do phong tái hoà nhập cộng đồng, với những hình thức hỗ trợ như: điều trị phục hồi chức năng, hỗ trợ xây cây nước sinh hoạt, cấp phát học bổng cho con bệnh nhân phong, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế... Ðặc biệt là hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để họ có điều kiện làm kinh tế ổn định cuộc sống. Ngoài ra, thông qua nhóm tự lực, không riêng người khuyết tật do phong được hỗ trợ mà người khuyết tật tại địa phương cũng được hưởng lợi.
"Nhờ đó, có nhiều người khuyết tật có thể tự chăm lo cho bản thân, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống", bà Dương Hồng Nhiên, Chủ tịch Hội LHPN xã Trí Phải, cho biết.
"Thông qua dự án Phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do phong, người khuyết tật được tập huấn nhiều kiến thức, kỹ năng phát triển phù hợp với điều kiện của mình. Người khuyết tật biết cách lập kế hoạch nhu cầu phát triển trong cộng đồng, nâng cao năng lực bản thân, tự tin hoà nhập cộng đồng. Ðồng thời, dự án đã mời một số đại biểu người khuyết tật đi tham quan mô hình người khuyết tật trong cộng đồng tại Ðắc Lắc và mời các chuyên gia vật lý trị liệu tập huấn cho người khuyết tật biết cách chăm sóc, tự tập hoặc người thân tập phục hồi chức năng tại nhà...", Bác sĩ Ngô Thanh Tân cho biết thêm./.
Qua 4 năm triển khai dự án, các nhóm tự lực người khuyết tật đã được dự án hỗ trợ trên 710 triệu đồng từ nguồn vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, nhiều hộ gia đình người khuyết tật, trong đó có khuyết tật do phong đã thoát nghèo, góp phần tích cực vào công tác an sinh tại địa phương. Bên cạnh triển khai vốn vay cho hộ người khuyết tật do phong và người khuyết tật khác, dự án đã hỗ trợ thường xuyên các hoạt động như: chi học bổng cho con bệnh nhân phong trên 859 triệu đồng, chi mua bảo hiểm y tế trên 892 triệu đồng... đồng thời hỗ trợ nhiều xe lăn, xe lắc và làm chân tay giả cho người khuyết tật do phong. |
Bài và ảnh: Lê Kim