Phum sóc đổi thay - Đồng bào no ấm.mp3
Giai đoạn 2019-2024,đổdự đoán chelsea hôm nay đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh không ngừng cải thiện, văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp được giữ gìn, phát huy.
Ông Lý Ni bên bể nuôi lươn.
Nông thôn khởi sắc
Trường Mẫu giáo Xà Phiên 2, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, được đầu tư vào năm 2020, đến nay trông vẫn còn rất khang trang.
Theo bà Phan Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Xà Phiên 2, trước năm 2020, địa điểm của trường tại ấp 5, do xây dựng lâu, ít nâng cấp, sửa chữa nên sân bãi, trường lớp khá ẩm thấp, trang thiết bị, đồ dùng học tập cũ, thiếu, ảnh hưởng việc dạy, vui chơi của giáo viên và các cháu.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư trường lớp trong đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2020, trường được đầu tư xây mới tại ấp 2, tổng diện tích hơn 3.000m2, có 9 phòng, tổng kinh phí khoảng 6 tỉ đồng.
“Từ khi trường được xây mới, cán bộ, giáo viên an tâm công tác, hàng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2023, trường là một trong những đơn vị được đánh giá dẫn đầu phong trào thi đua”, bà Phan Thị Mai cho biết thêm.
Ngoài Trường Mẫu giáo Xà Phiên 2, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2019-2024, tỉnh còn đầu tư nâng cấp, xây mới nhiều đường, trạm y tế, nhà thông tin ấp… trong khu vực đồng bào dân tộc, giúp nơi đây nhiều đổi thay.
Chỉ tay về tuyến đường bê tông ấp 11, xã Lương Nghĩa, ông Danh Rinh cho biết: “Từ khi tuyến đường này xây mới không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng mà việc mua bán hàng hóa thuận tiện hơn. Mỗi ngày có từ 2-4 xe hàng hóa vô đây để bán, nhiều hộ không cần đi đến chợ nữa”.
Ông Rinh kể, tuyến đường này dài khoảng 2km thông với nhiều ấp trong và ngoài xã, xây dựng cách đây gần 20 năm, qua nhiều lần sửa chữa nhưng không lâu sau hư hỏng. Cách đây khoảng 1 năm, đường được xây mới, khi qua phần đất hộ nào bà con đều tự nguyện hiến đất, hoa màu.
Giai đoạn 2019-2024, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong đồng bào DTTS, toàn tỉnh có trên 30 công trình, hạng mục nâng cấp, sửa chữa, tổng kinh phí trên 24 tỉ đồng. “Nhìn chung, bộ mặt nông thôn ở các xã vùng đồng bào DTTS có sự khởi sắc, tạo điều kiện cho đồng bào được hưởng thụ văn hóa, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần bà con”, ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết.
Cô và trò Trường Mẫu giáo Xà Phiên 2.
Bà con biết cách vươn lên khấm khá
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Hoàng Triệu cho biết: “Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng dành nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhờ vậy, nhiều hộ thoát nghèo bền vững”.
Hộ ông Lý Ni, ở ấp 5, xã Xà Phiên, chỉ hơn 1 công đất, trước đây chỉ làm thuê, ít ai nghĩ rằng sẽ thoát nghèo, nhưng ông không chỉ làm được điều đó mà còn trở nên khá giả. Được kết quả đó xuất phát từ việc ông dám nghĩ, dám làm trong sản xuất.
Ông Ni kể, trước năm 2015, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào việc làm thuê của vợ chồng. Thấy nhiều hộ trong xóm cũng ít đất nhưng khá giả nhờ nuôi trồng phù hợp nên vợ chồng ông chuyển sang nuôi heo. Theo đó, năm 2015 vợ chồng ông nuôi 5 heo nái, mỗi con đẻ 2 lần/năm; heo con giống, ông không bán mà để nuôi heo thịt. Thời điểm ấy, trong chuồng lúc nào cũng có từ 40-50 heo thịt, sau xuất chuồng, trừ chi phí mỗi năm lời 80-90 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, năm 2019, những lúc rảnh rỗi ông đi làm thợ hồ và nuôi lươn. Lúc đầu còn phụ hồ, nhưng nhờ chịu khó học hỏi nên lên thợ, đồng thời tập tành, phát triển đàn lươn. Theo ông Ni, khoảng 3 năm nay, từ nuôi heo, lươn và thợ hồ, mỗi năm thu nhập gia đình khoảng 150 triệu đồng.
Ông Ni chia sẻ: “Việc thoát nghèo đối với những hộ gia đình ít đất, thiếu vốn không phải dễ nhưng không hẳn không làm được, chủ yếu là sự quyết tâm và chịu khó quan sát, học hỏi và chọn lọc từ các mô hình hay, hiệu quả phù hợp. Tôi dự định sẽ mở rộng diện tích nuôi lươn để tăng thu nhập gia đình”.
Còn ông Chau Lập, ở ấp Thạnh Trung, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, rất thành công với mô hình sản xuất khép kín tuần hoàn của gia đình (trùn quế - chim cút - bò - cá chạch).
Theo ông Lập, năm 2022, khi xem trên báo đài thấy nhiều nơi phát triển mô hình nuôi trùn quế, nên mạnh dạn xây trại rộng 60m2 để nuôi. Thời gian đầu, ông đi nhiều nơi để tìm mua phân bò về làm thức ăn cho trùn. Khi trùn lớn, ông dùng để làm thức ăn cho 12 con heo và 300 con chim cút.
“Đối với thức ăn của heo, tôi trộn trùn quế, cám và một ít thức ăn công nghiệp; còn chim cút thì cho ăn trực tiếp trùn. Dần dần, ở dưới ao tôi nuôi thêm cá chạch lấu, thức ăn chính là trùn quế. Sau đó, mua bò về nuôi và tận dụng phân bò để làm thức ăn cho trùn”, ông Lập kể.
Nhờ cách làm trên, khoảng 2 năm nay, mỗi năm gia đình ông thu về trên 100 triệu đồng, được nhiều người dân trong và ngoài xã đến tham quan, học tập.
Với nhiều thay đổi tích cực về tư duy phát triển kinh tế, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã vươn lên thoát nghèo bền vững; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm. Nếu năm 2019, toàn tỉnh có 1.615 hộ nghèo và 660 hộ cận nghèo trong đồng bào DTTS, thì đến năm 2024 chỉ còn 948 hộ nghèo và 504 hộ cận nghèo.
“Tới đây, chúng tôi tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững những xã vùng đồng bào DTTS và ấp đặc biệt khó khăn; chú trọng khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế vùng đồng bào, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, tránh tái nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là DTTS; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc”, ông Nguyễn Hoàng Triệu cho biết thêm.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2022-2024 tỉnh được đầu tư trên 110 tỉ đồng đáp ứng các nhu cầu về chuyển đổi nghề, cung cấp nước sinh hoạt, đào tạo nghề, tập huấn khởi nghiệp kinh doanh bồi dưỡng kiến thức... cho đồng bào. |
NHẬT TÂN