Đừng để tình trạng “Hiến pháp mở ra,ónênbổsungtộibộitínănquỵtvàoBộluậtHìnhsựkết quả tỷ số fulham các điều luật thì đóng lại”
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, ĐB Bùi Quang Vinh (Đoàn Lai Châu), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, Quốc hội đã rất cố gắng để đảm bảo tinh thần của Hiến pháp là đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền tự do công dân và tự do kinh doanh. Đây là một định hướng rất tiến bộ, phù hợp với xu hướng của thế giới và mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước của Việt Nam. Do vậy, khi xem xét các luật ban hành mới, hoặc sửa đổi thì không nên để tình trạng “Hiến pháp thì mở ra, còn các Bộ luật, điều luật thì đóng lại”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết thêm, trong lĩnh vực kinh tế, Hiến pháp 2013 đã quy định rất rõ là: “Mọi người được tự do kinh doanh trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Do vậy, theo xu hướng của quốc tế là chúng ta không nên hình sự hóa các quan hệ về kinh tế và dân sự.
“Đây là vấn đề nói nhiều rồi, không có gì mới cả, nhưng thực tế đang có những trở ngại trong công cuộc đổi mới sáng tạo, làm nản lòng các nhà đầu tư, doanh nhân khi muốn bỏ tiền ra kinh doanh. Nếu khái niệm đưa ra không rõ ràng, dù không hiện hữu, nhưng lại là một rào cản rất lớn, bởi lo lắng khi đầu tư kinh doanh chỉ cần sơ sẩy là vướng vào tội hình sự”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Vinh, một đất nước đang trong quá trình nền kinh tế chuyển đổi như nước ta hiện nay thì không phải tất cả mọi thứ đều rõ ràng được, nhưng nếu không theo tinh thần Hiến pháp thì rất khó. Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, mục tiêu của sai phạm là nhằm thu lợi nhuận bất chính, vì vậy, chúng ta phải có giải pháp để xử lý cho đúng.
"Do vậy, ngoại trừ các hành vi phạm tội gây nguy hại lớn cho xã hội, còn các tội phạm về kinh tế khác cần phải xử lý bằng biện pháp kinh tế để thu hồi khoản tiền sai phạm của họ và phạt nặng hơn rất nhiều giá trị họ sai phạm để ngăn chặn sự tái diễn", Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Vinh: "Các luật về kinh tế có thoáng bao nhiêu đi nữa, nhưng Luật Hình sự bó chặt lại, không rõ ràng minh bạch, thì không ai có điều kiện làm ăn, chắc chắn là như vậy. Đây là vận mệnh của đất nước".
Tội tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng – “trốn cũng bắt về”
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị bổ sung thêm tội lãng phí gây hậu quả nghiêm trọng. Theo ĐB, điều này nhằm ngăn chặn hành vi gây lãng phí nghiêm trọng trong nhiều dự án bỏ hoang, gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước, ngăn chặn nguy cơ tham ô, tham nhũng.
|
“Tôi ủng hộ dự thảo việc không áp dụng thời hiệu truy cứu hình sự đối với tội phạm về tham nhũng, nhưng cần phân hóa ra và chỉ áp dụng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng - “ông có trốn cũng bắt về”. Còn lại các vi phạm có dăm ba triệu đồng thì nên áp dụng thời hiệu để cho đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác”, ĐB cho ý kiến.
Đặc biệt, ĐB Đương đề nghị tội phạm hóa hành vi "ăn quỵt" và bổ sung vào Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này. "Ví dụ anh vào nhà hàng ăn mất mấy chục triệu đồng, anh không trả, vay nợ hàng trăm tỷ đồng không trả. Điều này nếu bảo lạm dụng tín nhiệm thì lại sợ hình sự hóa quan hệ dân sự, cho nên một là oan, hai là lọt", ĐB nói.
Vì vậy, "đề nghị cho rõ thì nên bổ sung tội bội tín hay tội ăn quỵt để đỡ tranh chấp về tội danh. Lấy của người ta hàng trăm tỷ đồng mà bảo không nguy hiểm làm sao được, nhiều người tan cửa nát nhà vì đám này", ĐB nhấn mạnh.
Đồng thuận với quan điểm của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ĐB Đỗ Văn Đương ủng hộ dự thảo trong việc tăng cường hình phạt tiền thay cho phạt tù đối với những tội mục đích phạm tội vì tiền, dùng tiền làm công cụ phạm tội, ngoại trừ các tội như lừa đảo, trộm cắp tài sản. Do vậy, chỉ cần áp dụng hình thức phạt tiền đối với các tội cố ý xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
“Mở rộng hình phạt tiền chứ không phải bắt đi tù, cần phạt tiền thật nặng trong các tội như đánh bạc, buôn lậu, trốn thuế, kinh doanh trái phép”, ĐB nói.
ĐB Đương cũng ủng hộ việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. ĐB lý giải: Quy định này trên thế giới đã có 119 quốc gia có quy định, trong khu vực cũng có 6 nước. Hoạt động pháp nhân thông qua hành vi của cá nhân, nhưng hành vi của cá nhân thì không tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ, mà là tạo ra cho pháp nhân. Cho nên, khi có hành vi phạm pháp xảy ra và gây thiệt hại mà chỉ trừng phạt cá nhân thì không công bằng. Hoặc trong một số trường hợp xử phạt pháp nhân thì cá nhân cũng không đủ tài chính để nộp phạt.
Bên cạnh đó, “nhiều nước có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân vào luật, vậy khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài thì bị chịu phạt; còn các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, hoạt động ở Việt Nam thì không bị phạt hay sao?”, ĐB đặt câu hỏi.
Do vậy, không nên khước từ trách nhiệm hình sự của pháp nhân. "Có như thế pháp nhân mới nâng cao được trách nhiệm của mình như không được gây ô nhiễm, không được trốn thuế, lừa đảo... gây ảnh hưởng tới xã hội", ĐB nhấn mạnh./.
Duy Thái