Việt Nam “hút” gần 14 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng | |
Đón dòng đầu tư vàng từ FDI: Việt Nam không thể ngồi yên | |
FDI - gam màu sáng kinh tế đầu năm |
Mục tiêu thu hút FDI vào sản xuất công nghệ cao |
Thể chế tương đối hoàn thiện
Gần như đang có cuộc chạy đua để đón lõng dòng vốn đầu tư nước ngoài tại một số quốc gia được xem là có nhiều tiềm năng, lợi thế. Đơn cử, Chính phủ Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Campuchia... đã và đang rốt ráo chuẩn bị các ưu đãi để hút vốn FDI dịch chuyển...
Nói vậy để thấy, khi Việt Nam có “cơ hội vàng” để hút FDI và khi đã coi thu hút FDI là một trong những mũi giáp công trọng yếu cho tăng trưởng, Việt Nam cần có những động thái quyết liệt, tích cực hơn, đặc biệt, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực cho thu hút FDI hậu Covid-19. Trên thực tế, ngay khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung từ năm 2019, đặc biệt sau đó là đại dịch Covid-19 xảy ra vào đầu 2020, Việt Nam đã sớm nhận thấy các cơ hội để thu hút dòng vốn FDI chuyển khỏi Trung Quốc và đã có sự chuẩn bị để đón dòng đầu tư quan trọng này.
Việt Nam đang xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đây được coi là cú hích về thể chế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Dự luật này khi có hiệu lực sẽ góp phần thu hút được nguồn vốn khổng lồ từ khu vực FDI đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông lớn, qua đó thúc đẩy các nhà đầu tư FDI tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. |
Cụ thể, về mặt thể chế, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 được xem là đã đặt nền tảng vững chắc về một thể chế hoàn thiện cho thu hút FDI trong giai đoạn mới. Mục tiêu cơ bản được đặt ra tại Nghị quyết là hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế... Sang năm 2020, trong tâm bão Covid-19, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để khắc phục khó khăn, nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư nước ngoài thời gian tới. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan hoàn thiện thể chế thu hút FDI. Đặc biệt, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài hậu đại dịch Covid-19 cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng đầu tư mới khi các các tập đoàn đa quốc gia đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch đồng thời giao Bộ KH&ĐT xây dựng Đề án thu hút FDI hậu Covid-19.
TS.Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, chính sách thu hút FDI của Việt Nam đã tương đối đầy đủ. “Nghị quyết 50 xác định chủ trương, tạo tiền đề cơ bản và cũng là căn cơ để nâng cao hiệu quả trong thu hút dòng vốn FDI. Việc thay đổi, điều chỉnh cơ cấu đầu tư, hệ thống luật pháp chính sách theo đúng định hướng thu hút FDI một cách có chọn lọc là những việc cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp hơn. Ngay lúc này, cần sớm vạch ra các kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách thu hút FDI”, Phan Hữu Thắng nói. Theo ông Phan Hữu Thắng, Nghị quyết đặt ra mục tiêu xu hướng sản xuất công nghiệp là theo công nghệ cao, nhưng làm thế nào để thu hút công nghệ cao thì phải bằng cách tạo dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ phù hợp với phương thức hoạt động trong giai đoạn mới.
“Chúng ta phải có kế hoạch cụ thể: lựa chọn dự án nào, lĩnh vực nào phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế từng ngành nghề. Từ đó, xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư công nghệ cao, có chương trình xúc tiến đầu tư bài bản để tìm đúng đối tác mình cần, tạo điều kiện từ mặt bằng, lao động chất lượng cao..., có hệ thống luật pháp chính sách tạo điều kiện cho các dự án thành công”, TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.
Các nguồn lực đã sẵn sàng
Theo Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng đòi hỏi của những tập đoàn kinh tế lớn khi chuyển nhà máy sang Việt Nam, nhất là các KKT, KCN phải chuẩn bị sẵn đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thông tin về giá thuê đất, điều kiện giao thông, thông tin, đảm bảo cung ứng điện nước, nguồn nhân lực cho nhà đầu tư dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam. Đồng thời, Hiệp hội cho rằng, cần phải công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục cấp phép để đảm bảo rút ngắn thời gian thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư để triển khai nhanh dự án bằng cơ chế một cửa khi làm thủ tục xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ.
Liên quan đến diện tích đất đai để hút FDI, Bộ KH&ĐT cho biết, hiện cả nước có 336 KCN đã thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 97,8 nghìn ha. Trong đó, có 260 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt khoảng 76,10%. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 17 KKT ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước đạt khoảng hơn 845 nghìn ha. Như vậy, quỹ đất để hút FDI đang rất thuận lợi để các địa phương có thể tiến hành bàn giao đất sạch cho các DN FDI.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất đón dòng vốn FDI, từ cuối 2029 đến nay, nhiều DN đã đầu tư vào phát triển nhà xưởng, kho bãi công nghiệp. Đơn cử, Tổng công ty Becamex IDC và các đối tác đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng với gần 4.000 ha đất khu công nghiệp, 200 nghìn m2 nhà xưởng xây sẵn dành cho các nhà đầu tư mới. Các địa phuơng có lợi thế như: TPHCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương... đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở hạ tầng để thu hút FDI. Giữa tháng 5/2020, tỉnh Long An đã động thổ hai KCN, trong đó, khu công nghiệp Việt Phát có quy mô 1.800 ha, là một trong những KCN có diện tích lớn nhất hiện nay.
TS. Sử Văn Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, cơ sở hạ tầng – cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi... của Việt Nam tương đối tốt, tình hình chính trị ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với các DN FDI. Quá trình dịch chuyển các ngành sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sẽ diễn ra sớm nhất từ năm 2021, do đó, đây là lúc DN bất động sản công nghiệp tại Việt Nam cần chuẩn bị tốt hệ thống kho bãi, phục vụ hoạt động lưu trữ, giao – nhận hàng hoá trong chuỗi cung ứng”, TS. Sử Văn Khương nói.
Theo một nghiên cứu mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, so sánh tỷ lệ lấp đầy và giá thuê các KCN ở các nước Đông Nam Á trong quý 1/2020 cho thấy Việt Nam khá hấp dẫn với mức giá thuê trung bình thấp hơn 45-50% so với các nước Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Về giá điện, giá điện của Việt Nam năm 2019 đạt mức 80% so với giá điện của Indonesia; 42,1% so với giá điện của Philippine và 66,7% so với giá điện của Campuchia.
Liên quan đến nguồn nhân lực cho thu hút FDI, theo thống kê của Bộ KH&ĐT, khu vực DN FDI đang tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp. Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các DN FDI đã giúp hình thành một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao, tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật hiện đại. Khẳng định lao động Việt Nam hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, thì yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi tiếp tục phải được nâng cao hơn nữa.
“Trong bối cảnh mới, kiến nghị Chính phủ cần coi trọng hình thức đầu tư xí nghiệp chế xuất vì khi lựa chọn xây dựng nhà máy ở Việt Nam, khả năng cao các nhà đầu tư nước ngoài sẽ lựa chọn mô hình DN chế xuất tại các địa phương có thuận lợi về giao thông, cơ sở vật chất và nguồn nhân công. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến chính sách, luật pháp về DN chế xuất để tạo thuận lợi tiếp nhận làn sóng đầu tư mới của các tập đoàn kinh tế lớn trong điều kiện Trung Quốc đang gặp khó khăn” (Kiến nghị của Hiệp Hội DN đầu tư nước ngoài). |