BPO - “Sau một năm nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp định hướng đến năm 2030,c trkết quả giải hạng 2 anh giá trị gia tăng ngành nông nghiệp Bình Phước đã vươn lên dẫn đầu cả nước, góp phần vào tăng trưởng GRDP bình quân đầu người của tỉnh trong năm 2023 đạt 93,94 triệu đồng, tăng 11% so với năm 2022. Kết quả này không phải của riêng ngành nông nghiệp mà là của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt là sự đồng tâm, hiệp lực của người dân trong thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước” - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thụy Luân khẳng định.
Ảnh: Viết Bằng
Chuyển động miệt vườn
Đưa tay ngắt chùm sung chín mọng trên cây, chị Hà Bích Quyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Việt Hà đưa cho du khách thưởng thức ngay tại vườn. Thấy khách chần chừ, chị Quyên tiếp lời: “Anh cứ ăn thử đi, chết mình chịu cho”. “Thật không?” - khách hỏi. “Anh cứ thử đi” - chị Quyên đáp. “Woa! Sung mà lại có vị ngọt thanh thế này” - khách trầm trồ khen sau khi thưởng thức trong chuyến tham quan tại Nông trại Việt Hà.
Lãnh đạo UBND huyện Hớn Quản và Giám đốc Liên minh hợp tác xã tỉnh Bình Phước tham quan nông trại hữu cơ Việt Hà ở ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quản
Nông trại Việt Hà được thành lập năm 2017 ở ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước với tổng diện tích 5 ha đất nông nghiệp. Toàn bộ diện tích đất được canh tác 20 loại rau ăn lá và cây ăn trái nhiệt đới theo tiêu chuẩn hữu cơ thế giới. Trong 7 năm qua, nguồn phân bón cho vườn cây được ủ bằng chính những loại rau, củ, quả thải ra trong quá trình canh tác. Việc quản lý sâu bệnh hại bằng chế phẩm sinh học cùng với các loài thiên địch có sẵn trong tự nhiên. Cỏ dại được quản lý bằng cách phủ rơm thay cho phủ bạt. Với phương pháp canh tác này, Nông trại Việt Hà là cơ sở đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Phước được Hiệp hội Nông nghiệp bền vững quốc gia Úc (NASAA) cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế vào tháng 5-2021. 100% sản phẩm của nông trại được cung ứng cho hệ thống siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh như Lotte, Winmart, Co.op Finelife, Kingfood Market và các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chất lượng cao như Ajuma Garden, Organicfood.vn… Tùy loại, rau ăn lá của nông trại khi đưa vào siêu thị có giá bình quân từ 60.000-70.000 đồng/kg; từ 160.000-170.000 đồng/kg đối với rau gia vị.
Du khách thưởng thức trái cây được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu tại nông trại Việt Hà ở xã An Khương, huyện Hớn Quản
Tỉnh Bình Phước hiện có 48 mã số vùng trồng các loại cây trồng chủ lực, với tổng diện tích gần 4.000 ha, trong đó có 38 mã số vùng trồng sầu riêng. Dự kiến đầu năm 2024 sẽ có thêm 33 mã số cấp mới, nâng tổng số vùng trồng sầu riêng của tỉnh lên 71 mã, với tổng diện tích hơn 2.210 ha. Năm 2023, tỉnh Bình Phước công nhận mới 27 sản phẩm OCOP, nâng tổng số lên 125 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. |
Rời quân ngũ, anh Võ Ngọc Quế trở về với cuộc sống đời thường, canh tác hơn 7 ha hồ tiêu trên vùng đất biên cương thuộc ấp Bù Tam, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Chấp nhận đánh đổi năng suất hồ tiêu từ 25 tấn xuống còn 15 tấn để lấy sức khỏe cho cộng đồng, anh chuyển đổi quy trình canh tác hồ tiêu từ an toàn sang hữu cơ. Để có được 4 ha hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ châu Âu như hiện nay, nhà nông Võ Ngọc Quế đã mất 5 năm đầu tư xây dựng. Trong 3 năm đầu chuyển đổi, anh gặp không ít khó khăn trước thực trạng hồ tiêu “phơi đáy”. Thế nhưng, đất không phụ người có công. Trong 2 năm qua, chất lượng sản phẩm của vườn nhà anh luôn đạt hơn 900 chỉ tiêu hồ tiêu hữu cơ châu Âu đưa ra. Giá bán sản phẩm hạt tiêu nhờ đó cũng cao hơn 50% so với giá thị trường. Đặc biệt trong năm 2023, hồ tiêu của gia đình anh được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là sản phẩm OCOP hồ tiêu đầu tiên, duy nhất của tỉnh Bình Phước đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Và nó trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được huyện Bù Đốp tin dùng làm quà biếu.
Được công nhận sản phẩm ocop 4 sao đã giúp cho hạt tiêu hữu cơ đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn châu Âu của nhà nông Võ Ngọc Quế được tăng lên 50% giá trị và thị trường tiêu thụ đang ngày càng rộng mở
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Đốp chuyển giao mô hình ứng dụng tưới thông minh bằng cảm biến độ ẩm đất cho người dân vùng biên giới huyện Bù Đốp
Đích đến tận cùng trong canh tác nông nghiệp hữu cơ không phải mục tiêu nâng cao giá sản phẩm mà nhằm loại trừ những biện pháp canh tác gây xâm hại đất, nước, không khí, vật nuôi, cây trồng, vi sinh vật và sức khỏe con người. Thành quả cuối cùng của nông nghiệp hữu cơ mang lại chính là thiên nhiên an lành, đa dạng, bổ trợ nhau và con người từ thế hệ này qua thế hệ khác được hưởng cộng sinh bằng những giá trị tốt đẹp mà thiên nhiên trao tặng. Đó là nguồn thực phẩm chất lượng, môi trường sống lành mạnh cho sức khỏe muôn loài, trong đó có loài người. Những công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và ngay cả nông dân nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của Bình Phước đang trên đường hướng đến đích đó.
Công nhân HTX Nông nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ Thành Phương kiểm tra chất lượng hoa lan cắt cành được đầu tư theo mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ
“Mỗi một nông sản hữu cơ, mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện, là nét đẹp văn hóa tự thân nó nói lên giá trị đặc sắc cho mỗi địa phương, làng bản nơi nó sinh ra” - CEO Công ty TDL Solutions Thái Dũng Linh (TP. Hồ Chí Minh) cho hay.
Khúc hát mở đường
Năm 2023, ngành nông nghiệp Bình Phước đã triển khai thực hiện hàng loạt chương trình, dự án, từng bước hiện thực hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra. Đặc biệt là các chương trình, đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Việc triển khai, thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã giúp diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh phát triển đúng hướng theo quy hoạch. Không chỉ thế, đề án còn giúp người dân chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ mô hình sản xuất cá thể sang tập thể. Sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ kỹ thuật toàn ngành từ tỉnh đến huyện đã giúp người dân nâng cao nhận thức trong chuyển đổi số nông nghiệp. Từ đó đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã giúp cho chuỗi ngành hàng sầu riêng, chuối trong năm 2023 tăng trưởng cao nhất so với các loại cây trồng khác với mức 19,2%
Từ việc triển khai đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã giúp giá trị sản xuất chăn nuôi trong năm 2023 đạt tốc độ tăng trưởng đến 25,4%, góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 10,25% so với cùng kỳ năm 2022. Với mức tăng trưởng này, ngành nông nghiệp Bình Phước đang đứng đầu các tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là vị thế kỷ lục của ngành nông nghiệp Bình Phước sau 27 năm tái lập tỉnh, góp phần đưa 80/86 xã trên địa bàn tỉnh về đích nông thôn mới. “Sự tăng trưởng vượt bậc của ngành nông nghiệp trong năm 2023 có sự kế thừa, cộng hưởng từ những chủ trương, chính sách của tỉnh cũng như các giải pháp thực hiện của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong nhiều năm qua” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thụy Luân nhận định.
Sản phẩm chuối tại xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp được đầu tư, chăm sóc theo dây chuyền công nghệ tự động hiện đại từ vườn cây đến nhà máy chế biến để xuất khẩu sang thị trường Nhật
Niềm tin di sản rừng
Công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Toàn tỉnh đã trồng mới hơn 3,4 ha, nâng tổng diện tích rừng lên hơn 156.361 ha, trong đó rừng tự nhiên gần 56.000 ha, rừng trồng hơn 100.383 ha. Năm 2023, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của đề án là xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư vào các hoạt động lâm nghiệp. Phát huy những giá trị về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, môi trường rừng, tài nguyên đa dạng sinh học, các giá trị về văn hóa để cung cấp những sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ rừng. Tính đến cuối năm 2023, độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh đạt gần 23%.
Ông Bùi Xuân Ngọc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú và ông Phạm Hương Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Tươi đón nhận Bằng công nhận quần thể 162 cây di sản Việt Nam
Với tính đa dạng sinh học trong quá trình phát triển của rừng tự nhiên gắn liền với những di tích lịch sử, trong năm 2023 vừa qua, Bình Phước có thêm 162 cây rừng thuộc Tiểu khu 379 nằm trong quần thể rừng Chiến khu D Mã Đà đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản, nâng tổng số cây di sản quốc gia trên địa bàn tỉnh lên hơn 200 cây, trong đó có những cây cả ngàn năm tuổi. Đây cũng là niềm tự hào, là điểm đến hấp dẫn không chỉ có giá trị về mặt du lịch sinh thái mà còn là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong hiện tại và cả tương lai.
Phát biểu tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh cuối năm 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, giá trị tăng trưởng vượt bậc của ngành nông nghiệp Bình Phước là một thành tích đáng trân trọng. Ngay cả tỉnh đứng thứ hai của cả nước cũng chỉ tăng trưởng hơn 6%. Mừng nhất trong sự tăng trưởng ấy là các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chuối, dưa... được người dân phát triển đúng định hướng theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Điều đó cho thấy những chủ trương, chính sách của tỉnh đang được người dân hưởng ứng rất cao.
Năm 2024, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Phước phấn đấu hoàn thành mục tiêu tổng quát cho cả giai đoạn 2021-2025 là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đưa 5 xã về đích nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt 100% trước khi kết thúc nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhà nông Nguyễn Duy Hoàn, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Tiến Thịnh (xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) tự sáng chế máy phun thuốc cho cây sầu riêng
Với những quyết tâm của ngành cùng sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, chúng ta có quyền hy vọng năm 2024, ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ hoàn thành xuất sắc các chương trình, mục tiêu đề ra, góp phần hiện thực hóa mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Trung ương Đảng.