Tháp Thần Nông được ghép bởi 1.012 cối đá xếp vòng ngoài có chiều cao 15m, chia thành 5 tầng bên trong là khung cột bê tông được đổ kiên cố. Tháp được thiết kế mô phỏng hình hạt lúa, dựng theo chiều thẳng đứng, vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ mô hình giáo dục văn hóa trải nghiệm.
Bên trong Tháp Thần Nông có bậc thang lên xuống, giúp du khách có thể dễ dàng tham quan, trải nghiệm lần lượt công trình đặc biệt này, đồng thời càng lên cao càng có thể nhìn ngắm được bao quát khung cảnh xung quanh .
Quần thể cối đá, trục đá kéo lúa, cối đá xay thóc/gạo… được bài trí xung quanh tháp để hình thành một khu trưng bày đồ đá tạo tác là những biểu tượng gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước.
Cuối năm 2023, Tháp cối đá tạo hình hạt lúa lớn nhất tại châu Á (Tháp Thần Nông) đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục châu Á trao bằng Kỷ lục châu Á.
Năm nay, đúng vào ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 Tháp Thần Nông tiếp tục đón nhận Kỷ lục thế giới. Chương trình do Liên minh Kỷ lục thế giới (World Kings)phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức.
Kỷ lục gia Trần Văn Toản – Chủ tịch Hội đồng thanh viên Công ty TNHH Kỹ thương Đông Đô tâm huyết với việc lưu giữ, bảo tồn nét văn hoá của những vùng quê, của nền Băn hoá nông nghiệp, lưu giữ ký ức của một thế hệ, một giai đoạn văn hóa lịch sử của miền quê Bắc Bộ đã sưu tập và xây dựng nên Tháp Thần Nông này.
Ông Trần Văn Toản chia sẻ: Cối đá không đơn giản là vật vô tri, vô giác mà còn chứa đựng bao nhiêu triết lý tốt đẹp và tính nhân văn. Mỗi chiếc cối đá còn có riêng một cuộc đời, một thân phận, mỗi chiếc cối này là nhân chứng cho lịch sử truyền thống của một gia tộc, trải qua bao cuộc bể dâu, những chiếc cối đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Cối đá do đàn ông tạo ra nhưng người sử dụng chủ yếu là phụ nữ, biết bao tâm tư được gửi gắm trong vòng xoay ấy. Cối đá ở Khu Du lịch sinh thái Đông Đô Village có nhiều kích thước, trọng lượng khác nhau, được sắp đặt hợp lý, đẹp mắt, được đặt ở nhiều nơi trong khuôn viên khu trải nghiệm.
“Tất cả hòa vào nhau làm nên một không gian ấm áp thuần Việt. Chiếc cối góp phần nuôi dưỡng ta trưởng thành, đu đưa theo lời ru của mẹ khi địu con trên lưng, mờ sương xay thóc, giã gạo.
Chúng ta như gặp lại cả một tuổi thơ cơ cực của mình. Ở đó có người mẹ lam lũ, vừa xong việc đồng áng đã vội vàng về đứng bên cối đá để xay thóc, giã gạo cải thiện cho cuộc sống của 9-10 người con; ở đó có người bà lúc nào cũng dắt những đứa cháu qua miền cổ tích nhằm đánh lừa cái đói bằng những bát cháo ngô xay.
Ngoài ra, cối đá có 2 thớt phải ăn khớp với nhau, nếu không công năng của nó sẽ không còn. Cũng như trong cuộc sống gia đình, phải thuận vợ thuận chồng mới tròn đầy hạnh phúc”, ông Toản nói.