>> Vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán bị phạt tới 3 tỷ đồng >> Công ty quản lý quỹ không được đầu tư chứng khoán phái sinh từ vốn chủ sở hữu >> Nhà đầu tư được bán khống cổ phiếu và giao dịch T+0
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 119/2020/TT-BTC quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
Theo đó, thông tư quy định về hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thông tư này không điều chỉnh hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, công cụ nợ của Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.
Điều kiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán
Thông tư quy định rất cụ thể về quy định chuyển quyền sở hữu chứng khoán. Theo đó, việc chuyển quyền sở hữu đối với chứng khoán đã đăng ký tại Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) được thực hiện theo nguyên tắc: chuyển quyền sở hữu chứng khoán thông qua các giao dịch mua bán thực hiện qua hệ thống giao dịch chứng khoán và chuyển quyền sở hữu chứng khoán ngoài hệ thống giao dịch chứng khoán đối với các giao dịch không mang tính chất mua bán hoặc không thể thực hiện được qua hệ thống giao dịch chứng khoán.
Các trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán bao gồm: biếu, tặng, cho, thừa kế chứng khoán theo quy định của Bộ luật Dân sự; giao dịch chứng khoán lô lẻ theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; tổ chức phát hành, công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty; tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu của cán bộ, công nhân viên được mua ưu đãi theo quy định về cổ phần hóa; tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông, mua lại cổ phần của từng cổ đông tương ứng với tỷ lệ cổ phần của họ trong công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp...
Thông tư cũng quy định về việc nhà đầu tư uỷ thác chuyển quyền sở hữu chứng khoán của mình sang công ty quản lý quỹ trong trường hợp công ty quản lý quỹ nhận quản lý danh mục đầu tư uỷ thác bằng tài sản; hoặc công ty quản lý quỹ chuyển quyền sở hữu chứng khoán được uỷ thác sang nhà đầu tư uỷ thác hoặc công ty quản lý quỹ khác trong trường hợp chấm dứt hợp đồng quản lý danh mục đầu tư; hoặc công ty quản lý quỹ giải thể, phá sản, phải hoàn trả nhà đầu tư uỷ thác tài sản hoặc chuyển danh mục tài sản sang công ty quản lý quỹ khác quản lý...
Bên chuyển quyền sở hữu chứng khoán phải thực hiện lưu ký chứng khoán trước khi thực hiện chuyển quyền sở hữu theo quy định ngoại trừ các trường hợp sau: bên chuyển quyền sở hữu bị mất tích, chết, định cư ở nước ngoài không liên lạc được; tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty, mua lại cổ phiếu của cán bộ, công nhân viên được mua ưu đãi theo quy định về cổ phần hóa; chuyển quyền sở hữu theo bản án, quyết định của tòa án, phán quyết của trọng tài hoặc quyết định của cơ quan thi hành án; chuyển quyền sở hữu do chia, tách, sáp nhập, hợp nhất nhưng bên chuyển quyền sở hữu không còn tồn tại do đã hoàn tất các thủ tục chia, tách, sáp nhập, hợp nhất.
Quyền của người sở hữu chứng khoán
Thông tư quy định rõ về việc thực hiện quyền của người sở hữu chứng khoán. Theo đó, VSD lập danh sách người sở hữu chứng khoán tại ngày đăng ký cuối cùng, tính toán và phân bổ quyền mà người sở hữu chứng khoán được nhận theo quy định của pháp luật.
Tổ chức phát hành, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền triệu tập họp đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật Doanh nghiệp chỉ được sử dụng danh sách người sở hữu chứng khoán do VSD cung cấp vào mục đích đã nêu trong văn bản thông báo và chịu mọi trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích hoặc làm lộ bí mật thông tin.
Người sở hữu chứng khoán đã lưu ký nhận quyền, lợi ích được phân bổ thông qua VSD và các thành viên lưu ký nơi người sở hữu mở tài khoản lưu ký chứng khoán. Người sở hữu chứng khoán chưa lưu ký nhận quyền, lợi ích được phân bổ trực tiếp tại tổ chức phát hành, công ty đại chúng hoặc tổ chức phát hành, công ty đại chúng ủy quyền.
VSD, thành viên lưu ký chịu trách nhiệm thực hiện quyền cho người sở hữu chứng khoán đăng ký, lưu ký tại VSD, chịu trách nhiệm về các thiệt hại gây ra cho người sở hữu chứng khoán do không tuân thủ đúng các quy định về thực hiện quyền tại thông tư này hoặc quy chế nghiệp vụ đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán của VSD trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Việc lập danh sách, cung cấp danh sách và tổ chức thực hiện quyền của người sở hữu chứng khoán được thực hiện trên cơ sở ủy quyền của tổ chức phát hành hoặc theo quy chế nghiệp vụ của VSD.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2021. Thông tư số 05/2015/TT-BTC ngày 15/1/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán hết hiệu lực thi hành kể từ ngày thông tư này có hiệu lực trừ quy định tại khoản 3 Điều 45 Thông tư này./.
Hồng Quyên