【kqbd arap xeut】Về làng xã số hóa tư liệu Hán Nôm
Nhiều tư liệu Hán Nôm quý trên địa bàn tỉnh đã được số hóa, hướng dẫn bảo quản một cách khoa học |
Lần theo tư liệu
Một ngày giữa cái nắng hè oi bức, nhóm cán bộ của Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cùng với “thùng đồ nghề” có mặt tại đình làng Hà Lạc, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền). Nằm ở vùng đất cát cạnh hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, ngôi làng này hiện còn lưu giữ khá nhiều tư liệu Hán Nôm. “Chúng tôi đã liên hệ rất lâu, giờ đây được làng và các họ tộc, bô lão đồng ý nên quyết định số hóa với hy vọng lưu giữ được các tư liệu Hán Nôm quý giá”, một cán bộ của Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã bắt đầu câu chuyện như thế.
Không phải từ bây giờ, mà nhiều năm về trước khi triển khai đề án số hóa tư liệu Hán Nôm trên toàn tỉnh, nhóm các cán bộ Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế rong ruổi khắp các làng quê xứ Huế, chạy đua với thời gian để bảo tồn những tư liệu quý giá mà cha ông đã để lại, trước nguy cơ hư hỏng. Trong ngôi đình Hà Lạc vừa được tu sửa, khi đoàn cán bộ số hóa tư liệu Hán Nôm có mặt cũng là lúc đại diện làng và các họ tộc trong trang phục áo dài truyền thống xuất hiện từ rất sớm. Dâng hương lên các án thờ, các bô lão trang nghiêm thực hiện nghi lễ, cầu khấn trước khi hạ các rương đựng tư liệu xuống phía dưới để các cán bộ bắt đầu thực hiện quy trình số hóa.
Nhiều tư liệu Hán Nôm quý trên địa bàn tỉnh đã được số hóa, hướng dẫn bảo quản một cách khoa học |
Những rương gỗ vẫn còn vương bụi thời gian, nhưng bên trong đó là những sắc phong hay hàng trăm trang tư liệu Hán Nôm được xem như là báu vật của dân làng. “Từ đời này truyền sang đời khác, chúng tôi thay nhau cất giữ cho đến tận hôm nay. Nay nhờ các chuyên gia vừa dịch, vừa số hóa để làm sao có thể bảo tồn, lưu lại cho các thế hệ sau này biết rõ hơn về làng xã, dòng họ mình”, một bậc cao niên trong làng vừa nói, vừa nâng niu mở nắp rương. Bên trong các bức sắc phong màu vàng đậm được cuộn tròn lần lượt được cán bộ thư viện kéo ra một cách nhẹ nhàng. Hơn 100 năm tồn tại, nhưng các bức sắc phong vẫn còn nguyên vẹn. Bên trên hình rồng ẩn hiện đẹp mắt, các dòng chữ còn đậm nét, to rõ và cân đối.
Một chuyên gia Hán Nôm dịch qua để các cụ cao niên trong làng rõ về giá trị lịch sử cũng như ý nghĩa, thời gian ban tặng dựa trên thông tin của bức sắc phong trước khi chuyền qua tay ông Lê Viết Tuấn, Trưởng phòng Nghiệp vụ và Công nghệ - Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế để bắt đầu quy trình xử lý, số hóa.
Vừa bảo tồn, vừa số hóa
Lần lượt, từng bức sắc phong được trải ra và giữ căng, phẳng một cách cố định. Ông Tuấn cùng đồng nghiệp sau đó dùng một số chất lỏng chuyên dụng cùng bàn ủi bắt đầu xử lý những vết ố cũng như bụi bẩn trên bức sắc phong. Thường quy trình này được xử lý rất nhanh để đảm bảo an toàn cho sắc phong.
Ông Tuấn kể rằng, Huế thuộc vùng điều kiện khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều nên những tư liệu Hán Nôm trên giấy bị tác động, ảnh hưởng. Đặc biệt với những vùng nông thôn thấp trũng, tư liệu có tuổi đời trên trăm năm được bảo quản chưa tốt và ít được kiểm tra thường xuyên dẫn đến bị ẩm mốc, rách nát. “Có những đợt chúng tôi mở rương tư liệu Hán Nôm ra, khi vừa cầm lên thì nó mủn mịn như cát”, ông Tuấn nhớ lại với vẻ tiếc nuối.
Theo ông Tuấn, với những tư liệu Hán Nôm như làng Hà Lạc tuy còn khá nguyên vẹn, nhưng nếu không có phương pháp bảo quản khoa học thì cũng có nguy cơ hư hỏng theo thời gian. Vì thế, bên cạnh việc bảo quản, còn số hóa để lưu giữ trên nền tảng công nghệ số để không bị thất lạc các thông tin ẩn chứa trên mỗi tư liệu.
Còn với những tư liệu hư hỏng, tùy theo kinh nghiệm ông Tuấn cho hay sẽ lựa chọn áp dụng những phương pháp tu bổ một cách hợp lý và đảm bảo đúng quy trình. Trong quá trình đó cũng sẽ hướng dẫn chủ nhân của các tài liệu đó cách quản lý, bảo quản tư liệu theo đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn để tăng tuổi thọ cho tư liệu. “Những tư liệu sau khi được số hóa sẽ tổ chức trưng bày, triển lãm ra với công chúng. Ngoài ra, sẽ tặng đĩa ghi dữ liệu số hóa tư liệu Hán Nôm cho các địa phương mà chúng tôi đã hỗ trợ số hóa”, ông Tuấn nói.
Theo bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế, hơn 10 năm qua có gần 500.000 trang tư liệu Hán Nôm được số hóa. Trong số đó tập trung những tư liệu quý như sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, lệnh chỉ, gia phả, địa bạ, đinh bạ, văn bằng, văn bản hành chính, sách văn học, lịch sử, y sách, hương ước, văn cúng, kinh tạng... Riêng trong năm 2024, đơn vị triển khai số hóa khoảng 25.000 - 27.000 loại tư liệu này tại 50 nhà thờ họ tộc, tư gia. Quá trình này cũng đã nhận được sự hỗ trợ, cộng tác của đội ngũ các nhà nghiên cứu, dịch thuật tài liệu Hán Nôm trong việc khai thác, phát huy giá trị tư liệu.
“Chúng tôi còn tổ chức phân loại, biên mục tư liệu theo nguyên tắc và phương pháp thư viện học. Cùng với đó xác định giá trị, lựa chọn, bảo quản an toàn để nâng cao tuổi thọ tài liệu, phục vụ việc khai thác, sử dụng tài liệu tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh”, bà Oanh chia sẻ và xác định bằng mọi cách hạn chế tài liệu Hán Nôm quý bị hư hỏng, có nguy cơ mai một, thất truyền.