BPO - Luật Trẻ em quy định: “Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc,ẻemhocircmnaythếgiớha noi vs thanh hoa giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em”. Nhìn lại hành trình thời gian qua và các hoạt động trong Tháng cao điểm hành động vì trẻ em năm nay, ông Trần Văn Xuân, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV).
CHUNG TAY CHỐNG XÂM HẠI, BẠO LỰC TRẺ EM
Nỗ lực bảo vệ trẻ trong đại dịch
Trao đổi về những thuận lợi, khó khăn trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19, ông Trần Văn Xuân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý về chăm sóc trẻ em được các cấp ủy đảng, ban, ngành rất quan tâm bằng các văn bản chỉ đạo. Sở LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước và tham mưu trực tiếp công văn hướng dẫn thực hiện chăm sóc các đối tượng trẻ em, trẻ đặc biệt khó khăn, trẻ lang thang cơ nhỡ, trẻ yếu thế được hỗ trợ các nguồn lực cụ thể giúp trẻ vơi bớt khó khăn. Việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em có nhiều chỉ tiêu về dinh dưỡng, học tập, vui chơi giải trí… nhằm chăm sóc, bảo vệ trẻ một cách toàn diện.
Ông Trần Văn Xuân, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn của phóng viên
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, trẻ em cũng là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng lớn. Do đó, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm ưu tiên chăm sóc, điều trị các trường hợp trẻ nhiễm Covid-19 tại các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 theo quy định tại Điều 14, Luật Trẻ em. Triển khai nhanh và đầy đủ chính sách hỗ trợ người mang thai, người nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ bị nhiễm Covid-19, trẻ cách ly y tế tập trung hoặc tại nhà được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Sở cũng lập danh sách đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho 4 trẻ mồ côi do Covid-19, hỗ trợ 2 sổ tiết kiệm cho trẻ mồ côi do Covid-19 trị giá 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể tích cực phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức nhiều hoạt động thăm, tặng quà trẻ em. Đơn cử, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức thăm, tặng quà 400 thiếu nhi tại các khu cách ly, khu điều trị Covid-19, mái ấm… tổng trị giá 130 triệu đồng. Hội đồng đội các cấp trong toàn tỉnh đã trao tặng hơn 300 phần quà là nhu yếu phẩm; tặng 1.000 kính chắn giọt bắn; 3.000 khẩu trang; 250 chai nước sát khuẩn; hơn 600 đầu sách thiếu nhi… với tổng trị giá hơn 250 triệu đồng cho thiếu nhi khó khăn, thiếu nhi tại khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn tỉnh… Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ thực hiện chương trình “Triệu phần quà chia sẻ yêu thương” hỗ trợ túi an sinh, nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt hằng ngày cho trẻ em; chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã vận động tặng máy tính bàn, laptop, điện thoại thông minh, sim, đèn học; chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do dịch Covid-19…
Tuy vậy, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực làm công tác trẻ em. Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động xã hội về trẻ em còn nhiều hạn chế, chủ yếu từ nguồn đóng góp công tác xã hội hóa và sự ủng hộ của tổ chức, cá nhân. Một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ý thức chấp hành luật pháp và kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một số gia đình chưa tốt; vẫn còn tình trạng trẻ bị xâm hại, bị tử vong do tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước. Công tác quy hoạch, xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em gặp khó khăn. Hầu hết, các điểm vui chơi giải trí chủ yếu tập trung ở trung tâm huyện, thị xã, thành phố mà vùng sâu, xa thì còn thiếu.
Phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước
Ông Trần Văn Xuân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em thời gian qua luôn được quan tâm. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, nhiều đợt giám sát chuyên đề về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được Quốc hội, HĐND thực hiện nhằm bảo vệ tốt hơn cho trẻ em. Tuy nhiên, năm 2021, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 436 trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; 47 trẻ em bị xâm hại tình dục; 29 trẻ em bị mua bán; 1.961 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó 24 trẻ em tử vong…
Phòng, chống đuối nước cho trẻ em, trong mùa hè này, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tăng cường dạy bơi cho trẻ em. Trong ảnh:Giáo viên Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh đang hướng dẫn học viên nhí tập bơi
Để trẻ em được thương yêu toàn diện và bảo vệ an toàn, hằng năm, tháng 6 được chọn là Tháng hành động cao điểm chăm sóc, bảo vệ trẻ em theo chỉ đạo của Trung ương. Năm nay, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo tổ chức Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Qua đó, lan tỏa các thông điệp “Trẻ em phải được an toàn trong ngôi nhà của mình”; “Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”; “Pháp luật nghiêm trị mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”; “Kiên quyết phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình”; “Hãy lên tiếng để ngăn chặn mọi hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em”. Riêng Bình Phước sẽ tập trung trọng tâm vào tổ chức tuyên truyền, vận động các nguồn lực hỗ trợ thực hiện tốt phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Vai trò của gia đình là quan trọng nhất
Theo ông Trần Văn Xuân, một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ là vai trò của gia đình. Song thời gian qua, một số phụ huynh còn thiếu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ các em. Nhiều gia đình do mưu sinh nên để con ở nhà một mình, phó mặc trẻ nhỏ cho trẻ lớn hơn, thậm chí thiếu quan tâm tới trẻ nên dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Bên cạnh đó, việc học online kéo dài trong thời gian qua cũng đã tạo điều kiện cho trẻ quen các thiết bị công nghệ hiện đại với nhiều trang thông tin thiếu lành mạnh. Mặc dù sở đã phối hợp ngành chức năng tuyên truyền các em sử dụng thiết bị hiệu quả với thời gian, thời lượng sử dụng phù hợp, thậm chí xây dựng phần mềm sàng lọc website xấu nhưng vẫn khó tránh khỏi việc trẻ tò mò tìm hiểu những trang thông tin khác trên mạng xã hội, dẫn tới truy cập vào các trang có thông tin xấu, độc. Do đó, vai trò của nhà trường, xã hội, trong đó vai trò gia đình là hết sức quan trọng và quyết định.
Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Xây dựng cơ chế và tạo khả năng kết hợp, lồng ghép các nguồn lực, các lực lượng trong xã hội bảo vệ, chăm sóc trẻ em thông qua phong trào “Xã, phường phù hợp với trẻ em”, “Toàn dân bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em”; đẩy mạnh xây dựng “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em”, “Trường học an toàn”… Huy động sự tham gia của xã hội chung tay thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Cha mẹ cần khéo léo quản lý, tránh để con trẻ truy cập vào trang web không phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi và cần có một chế độ sử dụng phù hợp với thiết bị công nghệ hiện đại. Hiện các cơ quan chức năng đã cài đặt phần mềm sàng lọc ngăn chặn, hạn chế một số trang web xấu, độc. Do đó, cha mẹ khi cho con sử dụng các thiết bị thông minh nên tìm hiểu, cài đặt phần mềm để giúp con trẻ sàng lọc, ngăn chặn truy cập vào trang web có thông tin xấu, độc. |
Ông Trần Văn Xuân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH |