【kqbd vn hôm nay】Ngành Hải quan đấu tranh với việc lợi dụng luồng xanh để gian lận

Ngành Hải quan đấu tranh với việc lợi dụng luồng xanh để gian lận
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Phát hiện hàng trăm tờ khai vi phạm

Theo ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), luồng xanh không có bất kỳ sự can thiệp nào của cán bộ hải quan. Toàn bộ việc phân luồng, xác định nghĩa vụ nộp thuế, quyết định thông quan được thực hiện hoàn toàn tự động, trên hệ thống công nghệ thông tin.

Tổng cục Hải quan đang đặt ra mục tiêu tiếp tục tăng tỷ lệ tờ khai luồng xanh, giảm tỷ lệ tờ khai luồng vàng, luồng đỏ xuống mức tối đa. Đây là mục tiêu của ngành Hải quan, để tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 80.000 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hiện nay.

Tỷ lệ tờ khai luồng xanh hiện nay đang chiếm 66,87%, luồng vàng là 29,27%, luồng đỏ là 3,35%. Trong khi hàng hóa thuộc luồng vàng phải kiểm tra hồ sơ, luồng đỏ phải kiểm tra thực tế, luồng xanh sẽ được thông quan ngay. Trên thực tế, thời gian thông quan cho tờ khai luồng xanh chỉ khoảng 1 - 3 giây/tờ khai, doanh nghiệp không phải đến cơ quan hải quan và có thể trực tiếp lấy hàng tại cảng.

Tuy nhiên, bởi sự thuận lợi nên các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thời gian gần đây đang “nhắm” vào luồng xanh để thực hiện các hành vi vi phạm. Các phương thức, thủ đoạn chủ yếu như lợi dụng hệ thống phân luồng tự động, khi biết trước kết quả phân luồng xanh, doanh nghiệp có thể xếp thêm hoặc dỡ bớt hàng nhằm gian lận, hợp thức hóa gian lận hoặc trà trộn hàng lậu vào.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp lợi dụng việc được miễn kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế để làm giả hồ sơ, chứng từ; khai báo sai về tên hàng, chủng loại, xuất xứ, loại hình; không khai hoặc khai thiếu mã văn bản pháp quy đối với hàng hóa phải quản lý chuyên ngành; khai báo vào nhóm mặt hàng đơn giản, nằm ngoài danh mục quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành…

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2022, qua hoạt động xác định trọng điểm, áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với các lô hàng được vận chuyển qua các cảng biển thuộc TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng đã phát hiện 295 lô hàng luồng xanh và luồng vàng vi phạm nhập hàng không khai báo, khai sai chủng loại, số lượng, nhập hàng không đủ điều kiện.

9 tháng năm 2023, lực lượng hải quan đã phát hiện 229 lô hàng tờ khai (trong đó 217 tờ khai nhập khẩu và 12 tờ khai xuất khẩu) luồng xanh, vàng vi phạm với các hành vi như khai sai chủng loại, số lượng và nhập hàng không khai báo, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, nhập khẩu hàng hóa không có giấy phép nhập khẩu, xuất nhập khẩu hàng cấm, hàng vi phạm Công ước CITES… Tổng số tiền xử phạt khoảng 21,4 tỷ đồng, số tiền truy thu thuế 80,73 tỷ đồng.

Phân lớp quản lý để kiểm soát

Qua công tác quản lý, lực lượng hải quan nhận thấy việc kiểm soát hoạt động lợi dụng tờ khai luồng xanh gặp nhiều khó khăn, trong khi các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn tinh vi. Số lượng tờ khai được Hệ thống phân luồng xanh chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đó nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị để kiểm soát của cơ quan hải quan còn hạn chế.

Nhằm kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong việc lợi dụng tờ khai luồng xanh để buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ thống nhất các biện pháp nghiệp vụ có tính phân lớp quản lý để kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện kịp thời các gian lận của doanh nghiệp trong việc phân luồng.

Trước tiên là tăng cường thu thập thông tin nghiệp vụ, xây dựng hồ sơ rủi ro, hồ sơ tuyến trọng điểm về hàng hóa nhập khẩu trước khi hàng đến cảng và các dấu hiệu, tiêu chí đánh giá lô hàng rủi ro, tập trung phân tích thông tin E-manifest, lựa chọn soi chiếu trước thông quan để kịp thời, chủ động phát hiện các lô hàng vi phạm ngay khi cập cảng.

Cơ quan hải quan sẽ kiểm tra không xâm nhập bằng soi chiếu trước khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu nhập; soi chiếu đối với hàng hóa xuất khẩu sau khi đã thông quan tại cửa khẩu xuất; kiểm tra sau thông quan; thanh tra chuyên ngành và các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro của doanh nghiệp xuất nhập khẩu để áp dụng các biện pháp quản lý hải quan phù hợp.

Đồng thời, cơ quan hải quan thường xuyên rà soát, phân tích thông tin dữ liệu về tờ khai luồng xanh; đối chiếu, đánh giá với thông tin doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quản lý rủi ro (CRMS) và các hệ thống dữ liệu trong toàn ngành để sàng lọc, xác định trọng điểm các tờ khai rủi ro, doanh nghiệp trọng điểm theo các tiêu chí đánh giá.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) sẽ phối hợp với hải quan địa phương tăng cường xác lập, theo dõi, phân tích, đánh giá danh sách các lô hàng, doanh nghiệp trọng điểm theo từng chỉ số tiêu chí, áp dụng biện pháp kiểm tra soi chiếu trước đối với các lô hàng nhập khẩu chưa mở tờ khai có dấu hiệu rủi ro theo tiêu chí. Đặc biệt, đơn vị tích cực phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành đẩy mạnh thực hiện các biện pháp kiểm soát theo chuyên đề đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm theo tuyến đường, ngành hàng, lĩnh vực, loại hình.

Tỷ lệ luồng xanh tăng 0,78%

Trong quý III/2023, ngành Hải quan áp dụng khoảng 107.686 chỉ số tiêu chí đảm bảo phân luồng thông suốt 3.861.652 tờ khai. Trong đó có 2.548.901 tờ khai luồng xanh chiếm tỷ lệ 66,01%; 1.170.248 tờ khai luồng vàngchiếm tỷ lệ 30,30% và 142.503 tờ khai luồng đỏ chiếm tỷ lệ 3,69%. So với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ luồng xanh (tăng 0,78%), luồng vàng (giảm 0,07%) và luồng đỏ giảm 19.891 tờ khai (giảm 0,71%).