Tăng tốc phát triển du lịch bền vững thông qua ESG Hoá giải thách thức trên hành trình chuyển đổi xanh Net Zero 2050 |
Ông Darryl J. Dong nói về những hạn chế trong tiếp cận vốn trong lĩnh vực tài chính khí hậu tại Việt Nam |
Đó là chủ đề được bàn luận tại Diễn đàn phát triển bền vững 2024 với chủ đề "Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức tại TPHCM vào ngày 19/9.
Phát biểu tại diễn đàn, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) Hà Nội cho biết, Việt Nam là quốc gia có mức độ phát thải CO2/tăng trưởng GDP cao trong khu vực châu Á. Để đạt cam kết đạt mức 0% vào năm 2050, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng cường chuyển đổi xanh để giảm lượng carbon khoảng 78%.
Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra chiến lược tăng trưởng xanh và nhiều chính sách để thực thi chiến lược này. Trong đó, có quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, phê duyệt danh mục các cơ sở phát thải cần kiểm kê khí nhà kính; đề án về nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai kết quả Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu… Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi xanh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang thực hành ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị), hướng tới thực hiện tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, để tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh thì Chính phủ và doanh nghiệp cần có những hành động mới. Trong đó, Chính phủ và các cơ quan nhà nước, chuyên gia cần hoàn thiện khung chính sách về khử carbon; xây dựng quy định về thị trường carbon, định giá carbon, chứng chỉ xanh; thiết kế và thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh…
Một vấn đề nữa đặt ra trong quá trình chuyển đổi xanh chính là nguồn vốn. Điều này đòi hỏi ngành tài chính phải có giải pháp cân bằng giữa ưu tiên tăng trưởng kinh tế ngắn hạn với nhu cầu vốn cấp thiết hướng đến các cam kết về môi trường.
Theo ông Darryl J. Dong, Đại diện Cấp cao Phụ trách Văn phòng Hồ Chí Minh, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần huy động hàng trăm tỷ USD, trong đó khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò dẫn đầu. Trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn trong lĩnh vực tài chính khí hậu còn hạn chế. Hiện nay, tín dụng xanh của các ngân hàng nội địa mới chỉ chiếm tỷ trọng 4,5%, trong khi lẽ ra ngân hàng phải là nơi cấp vốn chủ lực.
Để khơi thông dòng vốn xanh, ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, cần có sự điều chỉnh trên các khía cạnh: quy định, dự án khả thi có thể nhận tài trợ từ ngân hàng, tăng cường tài chính hỗn hợp và gia tăng “năng lực khí hậu”.
Đối với các doanh nghiệp, ông Lim Dyi Chang cũng cho biết, muốn vay vốn xanh, doanh nghiệp phải có uy tín tốt, dự án khả thi về mặt tài chính. Cùng với đó là tìm kiếm một dự án “xứng đáng” và sau đó phải giám sát liên tục. “Một doanh nghiệp tốt, một dự án khả thi, một mục tiêu bền vững thực sự, đó là ba yếu tố chúng tôi tìm kiếm trong tài chính xanh”, ông Lim Dyi Chang nói.