Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, qua hệ thống giám sát dịch bệnh, ca mắc sởi mới phát hiện gần đây nhất trên địa bàn thành phố là tại huyện Hóc Môn. Đồng thời ghi nhận nhiều trường hợp sởi và sốt phát ban nghi sởi đến từ các tỉnh, thành khác đến khám và điều trị.
Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng khoa Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, trong tháng 8, bệnh viện đã tiếp nhận 23 trường hợp bệnh nhi đến khám và điều trị nội trú liên quan đến bệnh sởi, tăng trên 100% so với tháng trước. Hầu hết các bệnh nhi đến từ nhiều tỉnh thành của miền Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận…
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã khẩn trương triển khai các biện pháp cách ly, vệ sinh môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng ngừa lây nhiễm chéo cũng như tổ chức phân luồng cho trẻ đến khám bệnh khi có biểu hiện mắc sởi.
“Trong những ngày đầu tháng 9, các trường hợp đến khám có dấu hiệu sốt phát ban nghi sởi có xu hướng tăng. Hiện số bệnh nhi mắc sởi đang điều trị nội trú tại Khoa Nhiễm của bệnh viện là hơn 20 ca. Đáng lưu ý, trong đó có đến 9-10 trường hợp trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi. Đây là những trường hợp chưa đến thời điểm tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Số còn lại thuộc về các trường hợp chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi không đầy đủ do mắc một số bệnh lý…”, bác sĩ Thu cho biết thêm.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong tuần cuối tháng 8 đầu tháng 9, bệnh viện đã tiếp nhận 3 trẻ em mắc sởi. Đáng lưu ý là cả 3 trường hợp này đều xảy ra ở trẻ dưới 9 tháng tuổi với những biểu hiện sốt cao, ho nhiều, nổi ban, viêm phổi.
Theo Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đây là dấu hiệu bất thường khi trong vài năm nay, bệnh sởi chưa từng bùng phát và có nhiều ca nhập viện điều trị như vậy. Một điều đáng lo ngại là hầu hết các ca mắc bệnh sởi đều là trẻ dưới 9 tháng tuổi, độ tuổi chưa tiêm chủng sởi, chỉ dựa vào sữa mẹ có kháng thể là chính.
Theo trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, hiện nay bệnh sởi đang có khuynh hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước châu Âu. Tại Việt Nam, bệnh sởi đang gia tăng ở các tỉnh phía Bắc. Trong bối cảnh giao thương đi lại thuận lợi, việc lây lan bệnh giữa các vùng miền là rất dễ dàng đối với các cá thể và cộng đồng chưa có miễn dịch với vi rút sởi.
Trong đó, các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM (như bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi đồng 2) chắc chắn sẽ là nơi đầu tiên tiếp nhận các ca bệnh sởi của một số tỉnh lân cận.
Một điều đáng lưu ý là đặc tính dịch tễ học của bệnh sởi bùng phát theo chu kỳ thông thường từ 3 đến 5 năm lại xảy ra một đợt dịch lớn. Thực tế, năm 2014 dịch sởi đã xảy ra trên diện rộng ở tất cả các tỉnh phía Nam. Hơn nữa thời điểm hiện tại, khi năm học mới vừa mới bắt đầu, do đó nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát mạnh vào năm 2018-2019 là rất lớn.
Trước thực trạng trên, các bác sĩ khuyến cáo, để ngăn ngừa và phòng bệnh sởi thì việc tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp hiệu quả nhất. Do đó các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi phải đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, đảm bảo trẻ được tiêm mũi vắc xin phòng ngừa sởi khi tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi được 18 tháng.
Nếu chưa tiêm phải khẩn trương đưa trẻ đến trạm y tế phường xã để được khám, tư vấn tiêm bù vắc xin sởi càng sớm càng tốt. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần phải hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt phát ban. Nếu phát hiện trẻ có các triệu chứng sốt hoặc phát ban phải đưa trẻ đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để khám, điều trị, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với trẻ khác để phòng lây nhiễm ra cộng đồng.