Mỗi ngày, khi trời nhá nhem tối, bà Vũ Thị Khiêm, 82 tuổi, lại dạo quanh khu vườn của gia đình ở để kiểm tra cây rừng và thăm đàn cò. Thói quen này bà đã duy trì hơn 60 năm qua. “Tôi với đàn cò như cái duyên và cũng là cái nợ với nhau. Ngày nào không nhìn thấy chúng bay lượn, không được nghe tiếng ríu rít là thấy thiếu vắng, ăn không ngon, ngủ không yên...”, bà Khiêm tâm sự.
Trong căn nhà nhỏ đã cũ phủ màu rêu phong, nép mình dưới những tán cây cổ thụ, bà Khiêm trải lòng, gia đình bà lên mảnh đất này lập nghiệp khi bà mới 5 tuổi. Lúc đầu, gia đình bà trồng khoai, sắn để ăn, rồi sau đó trồng thêm một số cây ăn quả, cây lấy gỗ. Khi cây lớn, có tán lá thì đàn chim, cò từ khắp nơi bắt đầu kéo về trú ngụ, làm tổ. Lúc đầu lác đác vài con, dần dần đông đúc thành đàn, không chỉ cò mà còn cả vạc, diệc, hạc…
Việc đàn cò tìm đến cư ngụ ở cánh rừng của gia đình bà là do "đất lành chim đậu", bà Khiêm cùng gia đình không ai xua đuổi, đều bảo vệ đàn chim, cò, không cho người lạ săn bắt.
Bà tâm sự, chồng bà đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, một mình bà nuôi 3 người con, trải qua bao khó khăn, vất vả, sự nguy hiểm nơi rừng sâu. Số phận lại như trêu đùa, khi người con trai cả của bà Khiêm bất ngờ qua đời vì tai nạn, bà tiếp tục một mình nuôi 5 cháu lớn lên cùng với đàn chim, cò dưới những tán rừng.
Để gọi chúng về làm tổ, bà Khiêm cùng con cháu trồng thêm nhiều cây cối làm chỗ trú ngụ và tạo môi trường xanh mát, trong lành. Đến nay, khu vườn rộng hơn 5 ha của bà đã có nhiều loài cây có tuổi đời lâu năm như lát, dổi, mít, trám, xoan, trẩu, nhãn, tre… Cuộc sống của 6 bà cháu vất vả, khó khăn, có những lúc bà Khiêm định chặt cây, bán rừng để nuôi đàn cháu. Nhưng khi nghĩ đến việc đàn cò bị mất nơi trú ngụ thì bà lại không nỡ. Cứ thế, hơn 60 năm qua, cánh rừng ấy luôn sinh sôi, nảy nở và không bao giờ bị đốn hạ, bị bán đi tấc đất nào.
Nhiều năm sống cùng với đàn cò, bà Khiêm hiểu hết những tập tính của loài chim này. Từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch là mùa sinh sản của cò. Đặc điểm của giống cò là không nuôi con lẫn nhau, có nhiều con cò non bị lạc đàn hay yếu ớt, bị mưa gió làm rớt từ trên tổ xuống bà phải đem về nuôi chúng, chăm sóc, cho đến khi chúng có thể tự bay và kiếm ăn được thì bà lthả chúng về với đàn.
“Nhiều người bảo tôi khùng, nhưng tôi cứ làm với tất cả đam mê và tấm lòng, không mưu cầu giá trị lợi ích gì cho bản thân”, bà Khiêm chia sẻ.
Trước kia, mỗi năm, đến mùa cò về làm tổ, các tay thợ săn vào vườn hoặc đứng ngoài bìa rừng để bắn cò khiến bà Khiêm rất đau lòng. Giờ đây, do sự tuyên truyền từ chính quyền nên ý thức của người dân về việc bảo vệ đàn cò được nâng cao, không còn ai đến vườn cò của bà Khiêm để săn bắn. Gần đây, chính quyền địa phương giúp đỡ bà rào lại toàn bộ diện tích 5 ha rừng của gia đình bằng lưới thép. Hằng năm, huyện Sông Lô cũng dành nguồn kinh phí để hỗ trợ bà Khiêm trông nom khu rừng, bảo vệ vườn cò.
Ông Đào Tiến Trung, Chủ tịch UBND xã Hải Lựu, huyện Sông Lô cho biết: Từ năm 2010 UBND xã đã đề nghị Trung tâm giáo dục Môi trường và các vấn đề xã hội, Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam đầu tư xây dựng mô hình tổ chức quản lý và sử dụng bền vững vườn chim Hải Lựu. Xã phân công nhân lực phối hợp với thôn Đồng Dừa, hỗ trợ trực tiếp cho gia đình bà Khiêm để mở rộng đất vườn chim gần 1ha, thiết lập hàng rào bảo vệ, trồng bổ sung cây. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục người dân cùng chung tay với gia đình bà Khiêm để bảo tồn đa dạng sinh học, vườn chim và môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.