Việc tăng phí vận chuyển vào thời điểm khó khăn hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó chồng chất. Ảnh: T.H |
Lo lắng
Vừa xuất khẩu được mấy lô hàng, giảm số hàng tồn trong kho, ông Tống Văn Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Ngũ Lâm Việt - chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu đi Mỹ và châu Âu cho biết, hiện nay cước vận chuyển hàng xuất khẩu từ TPHCM đi Mỹ, châu Âu vẫn neo ở mức cao 10.000-12.000 USD/container.
"Doanh nghiệp được thông báo cước vận chuyển container sẽ tăng trong tháng 7 tới, nhưng chưa biết mức tăng là bao nhiêu. Hiện sản xuất của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn, chi phí đầu vào tăng, trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng. Giờ giá cước vận tải lại tăng tiếp sẽ khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn”- ông Thiện lo lắng.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta, chi phí container lạnh từ đầu đến nay luôn tăng và tăng, muốn thuê cho đủ nhu cầu còn khó khăn nữa! Vị mặn này làm mất không ít tiền của Sao Ta, thành quả hàng ngàn lao động bỗng chợt bị vơi đi, biến mất bởi "chiêu" của các hãng tàu quốc tế...
Vào quý 2, chi phí vận tải tăng thêm và rủi ro khác dần bộc lộ như chi phí vật tư bao bì tăng, chi phí lao động tăng và nhất là giá tôm nguyên liệu cũng tăng khiến hoạt động Sao Ta có chút điều chỉnh. Song song, diễn biến Covid-19 đầy bất lợi, bùng phát lần thứ 4 với biến thế mới Delta và Delta Plus đầy rủi ro, khiến Sao Ta tốn không ít tài lực cho các giải pháp phòng chống dịch. Nửa năm năm qua, lĩnh vực chế biến xuất khẩu của doanh nghiệp đã có chút mắc cạn, cơ bản là từ giá cước tàu tăng cao.
Không chỉ có doanh nghiệp XNK hàng hóa lo lắng, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đang đứng ngồi không yên khi biết tin giá cước vận tải sẽ tăng. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics chia sẻ, khó khăn về thiếu container tại thời điểm hiện nay đã đỡ hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2021. Việc thuê container đóng hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp dù còn khó khăn nhưng đã dễ dàng hơn khi hãng tàu cải thiện khá nhiều.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang tiếp tục phải đối đầu với chi phí vận tải quốc tế tăng và được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới đây. “Đây là khó khăn rất lớn đối với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi doanh nghiệp đã phải chịu chí phí vận tải tăng liên tục trong thời gian qua, nay lại dự báo tăng tiếp”- ông Lê Duy Hiệp than thở.
Theo các chuyên gia, chi phí vận chuyển hàng hóa bằng container trong thời gian qua tăng chóng mặt bởi nhu cầu đang vượt quá cao so với lượng container 20 feet và 40 feet vốn chịu trách nhiệm chuyên chở chính trong thương mại toàn cầu. Khi người tiêu dùng nhiều nền kinh tế phát triển của thế giới đang đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa trở lại, doanh nghiệp mua gom hàng hóa nguyên liệu phục vụ cho sản xuất; hàng loạt diễn biến bất lợi của ngành vận tải toàn cầu... đã khiến chi phí vận chuyển leo thang...
Hỗ trợ doanh nghiệp
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan quản lý đã chủ động nhiều giải pháp thiết thực. Mới đây, tại kỳ họp thứ nhất ngày 25/6, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết lùi thời gian thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng tại cảng biển đến 0h ngày 1/10/2021 (lùi 3 tháng so với nghị quyết trước đó).
Theo tính toán của UBND TPHCM, nếu thu phí trong 3 tháng (từ 1/7 đến 1/10/2021) số phí thu được 723 tỷ đồng. Nếu chưa thu trong 3 tháng này thì số tiền thu dự kiến này được xem như khoản hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, đảm bảo thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội.
Trước đó, trước tình trạng giá cước vận tải, Cục Hàng hải đã có văn bản yêu cầu các hãng tàu vận tải container minh bạch giá cước vận chuyển theo Nghị định số 146/2016/NĐ-CP quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển.
Cụ thể, hãng tàu phải thực hiện niêm yết đầy đủ thông tin về: Điểm đi và điểm đến của tuyến vận tải; danh mục và mức giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển, phụ thu tương ứng với tuyến đường vận chuyển và loại hàng hóa được vận chuyển; mức giá niêm yết đã bao gồm giá dịch vụ liên quan phát sinh và các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có); thông tin doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển hoặc đại lý, doanh nghiệp được ủy quyền niêm yết.
Trường hợp thay đổi theo hướng tăng giá vận chuyển bằng đường biển, tăng phụ thu đã được niêm yết, ngày hiệu lực của giá vận chuyển bằng đường biển hoặc phụ thu do doanh nghiệp quy định nhưng không sớm hơn 15 ngày liên tục kể từ ngày niêm yết sự thay đổi.
Đồng thời, đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam; Cục Xuất nhập khẩu, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương); Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã tiến hành kiểm tra 12 hãng tàu, đại diện hãng tàu về việc thực hiện quy định của pháp luật về giá cước, phụ thu ngoài giá và các vấn đề liên quan đến dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển...