Đây được coi là sự kiện quan trọng, cho thấy Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Khu vực thương mại tự do thuộc hàng lớn nhất thế giới
Bằng nỗ lực của 11 quốc gia thành viên, đặc biệt là Nhật Bản, Mexico, Việt Nam, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hồi sinh với tên gọi mới là CPTPP. Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn CPTPP. Trước đó, Australia trở thành nước thứ 6 phê chuẩn hiệp định, sau New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Cùng với Việt Nam, 4 nước khác cũng đang trong quá trình phê chuẩn hiệp định này là Brunei, Chile, Malaysia và Peru. Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2018.
11 nước tham gia CPTPP có tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD. Nếu có Mỹ, TPP sẽ trở thành khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 40% GDP toàn cầu. Trung Quốc, Anh và Hàn Quốc được cho đang xem xét việc gia nhập CPTPP. Mặc dù không có Mỹ, nhưng CPTPP cũng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do rất lớn, với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% toàn cầu và gần 500 triệu dân. Tất cả 11 thành viên của CPTPP sẽ nhận được nhiều lợi ích khi thông qua hiệp định. Theo ước tính, trong các thành viên châu Á, Malaysia sẽ được lợi nhiều nhất, bằng 2% GDP; sau đó là Việt Nam, Bruney với khoảng 1,5% GDP; tiếp nữa là New Zealand, Singapore với tỷ lệ 1% GDP.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số các vị ĐBQH đều tán thành về sự cần thiết phê chuẩn CPTPP. "Đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.
Trước đó, đánh giá về hiệp định này, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã nhận định: “Đây là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay”.
Doanh nghiệp phải biết tận dụng cơ hội
Thảo luận trước đó tại hội trường, một số ĐBQH bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện CPTPP đảm bảo phân công, xác định rõ trách nhiệm và tiến độ hoàn thành theo quy định. Một số ý kiến đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của CPTPP, nhất là những cơ hội và thách thức trong quá trình thực hiện hiệp định.
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện nội dung này vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Sau khi hiệp định được Quốc hội phê chuẩn và trong vòng 15 ngày từ ngày Bộ Ngoại giao thông báo chính thức có hiệu lực, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công thương cùng các bộ, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết với phân công và lộ trình triển khai cụ thể. Các nội dung chính của kế hoạch này bao gồm việc rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật để phù hợp với CPTPP; tuyên truyền, phổ biến nội dung của hiệp định; nghiên cứu ban hành một số biện pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh để tận dụng hiệu quả những cơ hội mà hiệp định mang lại, cũng như vượt qua các thách thức, khó khăn trong quá trình thực thi.
Trả lời báo chí bên hành lang ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn với sự đồng thuận tối đa, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, hiệp định này kế thừa TPP. Chính phủ đã có bước triển khai, tuyên truyền nội dung cụ thể các điều khoản trong hiệp định này. “Những chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt trong thời gian qua đã bàn sâu, ban hành nhiều quy định nhưng “hậu kiểm” chính sách đó có đi vào thực tế hay không cần phải xem xét. Theo tôi, quá trình này còn chậm, nên phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của DN”, ông Trần Hoàng Ngân nói. Theo ông, chính sách hỗ trợ phải hết sức cụ thể, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được cho là sẽ bị cạnh tranh rất khốc liệt, cần phải có tính toán kỹ lưỡng trong thời gian sớm nhất như đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ về vật nuôi, cây trồng…
Thảo luận về vấn đề này, nhiều ĐBQH đồng tình cho rằng, gia nhập CPTPP, thách thức và cơ hội đan xen. Nếu coi thách thức chính là cơ hội thì DN sẽ tận dụng và phát huy được lợi thế của chính mình. Nhiều đại biểu quan tâm đến “sức khoẻ” của DN khi gia nhập CPTPP, bởi các DN Việt sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các DN nước ngoài, không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước. Do đó, DN cần chủ động tìm hiểu thông tin để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là thông tin về ưu đãi thuế quan theo hiệp định đối với những mặt hàng nước ta đang có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu. Bên cạnh đó, DN cần thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
Trần Thắng