Sau vụ Triều Tiên phóng thành công một tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo hôm 7-2 vừa qua,ệnhtrừngphạtbủavyTriềquả cúp c2 nhiều quốc gia liên quan đã công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào quốc gia này. Đây là một thách thức không nhỏ đối với Bình Nhưỡng khi phải đối mặt với nhiều khó khăn bủa vây.
Hình ảnh một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP
Tổng thống Park Geun Hye mới đây tuyên bố, Hàn Quốc sẽ đáp trả một cách không khoan nhượng vào những hành động khiêu khích của Triều Tiên, nhằm để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Khởi đầu cho quan điểm cứng rắn này là việc Hàn Quốc đã quyết định ngưng mọi hoạt động tại Khu công nghiệp chung Kaesong với Triều Tiên. Tiếp sau đó là những việc làm kiên quyết, căn cơ và mang tính lâu dài để đối phó Triều Tiên. “Giờ là lúc cần phải tìm ra một giải pháp cơ bản để thay đổi quan điểm của Triều Tiên và để thể hiện ý chí của Hàn Quốc trong việc biến giải pháp đó thành hành động. Nếu chúng ta để mặc cho Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un sẽ không bị kiềm chế và có thể sẽ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa của mình thì hậu quả khó lường”, Tổng thống Park Geun Hye khẳng định quyết tâm. Theo đó, Hàn Quốc đã và đang huy động mọi phương cách có thể để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt “nhanh chóng và toàn diện” nhằm vào Triều Tiên.
Trong một động thái liên quan, Mỹ đã điều 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 đến căn cứ quân sự tại thành phố Osan, miền Trung Hàn Quốc. Tàu ngầm tấn công USS North Carolina (SSN-777) của Mỹ cũng đã cập cảng Busan và lưu lại đây đến ngày 21-2. Ngoài ra, Mỹ đã tăng số lượng tên lửa Patriot, điều vũ khí chiến lược cùng lực lượng đặc nhiệm chuyên đối phó với vũ khí hạt nhân đến bán đảo Triều Tiên... nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bình Nhưỡng, cũng như tái khẳng định cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc. Dự kiến, trong tuần này, Hàn Quốc và Mỹ sẽ bàn thảo về khả năng Mỹ đưa hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại THAAD sang Hàn Quốc. Ngoài ra, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và chuyển cho Tổng thống Barack Obama để ký thành luật. Cùng thời gian này, Mỹ cũng đang thuyết phục Trung Quốc ủng hộ những lệnh trừng phạt quốc tế mới nhằm vào Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ phóng tên lửa tầm xa mới đây.
Trong một tuyên bố mới đây liên quan đến vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, phía Trung Quốc khẳng định ba nguyên tắc là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, duy trì hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết các vấn đề thông qua đàm phán. Đại diện của Hàn Quốc, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Sung-Nam, cho biết, Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhất trí về sự cần thiết của việc nhanh chóng thông qua một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhằm trừng phạt mạnh và có hiệu quả hơn đối với Triều Tiên.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và người đồng cấp Australia Julie Bishop đã nhóm họp để thảo luận về những phản ứng đối với việc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân hôm 6-1 và vụ phóng tên lửa hôm 7-2 vừa qua.
Trong khi đó, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi các nhà khoa học nước này tiến hành nghiên cứu, sử dụng thành công kết quả vừa qua nhằm xúc tiến phóng thêm các vệ tinh trong thời gian tới.
Giới quan sát nhận định, hành động thách thức của Triều Tiên như “đổ dầu vào lửa” trước những lệnh trừng phạt bao vây của các quốc gia xung quanh. Điều này đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới.
HN tổng hợp