“CHÁY” HẾT MÌNH VỚI NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC
Sinh năm 1978 ở làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh), nơi có truyền thống tạc tượng và làm đồ thờ cúng bằng gỗ nên anh Trang sớm được tiếp xúc với nghệ thuật điêu khắc. Anh rất ấn tượng mỗi khi thấy các bậc cha, chú “thổi hồn” vào những khúc gỗ “chết”, tạo ra sản phẩm với đường nét tinh xảo và độc đáo. Năm 1996, anh vào TP. Hồ Chí Minh làm phụ hồ. Giữa bộn bề khó khăn, niềm đam mê điêu khắc vẫn âm ỉ trong anh. Để nuôi đam mê, mỗi khi rảnh rỗi, anh đến những cơ sở điêu khắc để tìm hiểu quá trình người thợ làm ra các tác phẩm.
Sau một thời gian bươn chải, anh xin học nghề điêu khắc ở Công ty cổ phần Vĩnh Cửu (TP. Hồ Chí Minh). Anh Trang kể: “Lúc mới học, chưa có kinh nghiệm gia công vật liệu nên tôi thường cắt chệch đường, tượng hỏng phải vứt bỏ nhiều, còn chuyện đứt tay chảy máu xảy ra như cơm bữa, thậm chí nhiều lần bụi đá găm vào mắt phải nằm viện điều trị mấy ngày”. Sau hơn 3 tháng học tập và gần 10 ngày nhận việc, nghị lực vươn lên của anh đã được đền đáp xứng đáng, tác phẩm đầu tay là một con đại bàng được khách hàng mua với giá 2 cây vàng.
Được bạn bè giới thiệu, năm 1998, anh lên Bình Phước mở cơ sở điêu khắc Trang Long. Anh cho biết: “Thời gian đầu mở xưởng, tôi gặp vô vàn khó khăn, từ việc tìm nguồn nguyên vật liệu đến đầu ra cho sản phẩm. Nhờ tình yêu và quyết tâm sống cùng nghề đã giúp tôi vượt qua mọi thử thách”. Ở xưởng điêu khắc, anh trưng bày các loại tượng người, linh vật với đủ tư thế, kích thước, từ thô sơ đến hoàn chỉnh làm cho người xem có cảm giác như đứng trong bảo tàng. Trong đó, hòn giả sơn cao hơn 3m mô phỏng núi Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) là điểm nhấn thu hút sự chú ý của khách hàng. Từ khi theo nghề đến nay, anh đã tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc đẹp mắt và độc đáo nên xưởng của anh rất “hút khách”, nhất là các loại tượng linh vật, người hay non nước.
Anh Trang đang hoàn thành tác phẩm song mã
Trong số tác phẩm trưng bày, tượng “Mục đồng chăn trâu” được anh yêu thích hơn cả. Tác phẩm này được anh “thai nghén” một thời gian dài và tốn cả tháng chuẩn bị nguyên liệu. Đá xanh đen và họa tiết tự nhiên, bắt mắt được anh mua và vận chuyển từ tỉnh Ninh Bình vào. Dù đã lên ý tưởng từ trước nhưng khâu tạo hình cho khuôn mặt mục đồng cũng tốn rất nhiều thời gian vì phải làm sao cho tượng có “hồn”, phản ánh sự ngạo nghễ, hồn nhiên, yêu đời cũng như chứa đựng phần nào những kỷ niệm thời thơ ấu của tác giả. Nghệ thuật điêu khắc đá không cho phép người thợ được tạo hình nhầm bởi “sai một li, đi một dặm”. Vì vậy, anh dồn toàn bộ tâm trí, sức lực để chạm khắc chau chuốt, tỉ mỉ từng chi tiết, dù là nhỏ nhất. Kết thúc công đoạn tạo hình, anh cẩn thận mài nhẵn nhiều lần và dùng sơn bóng quét nhiều lớp giúp tác phẩm “bắt” sáng, nổi màu tự nhiên đẹp, chống trầy xước, giảm thiểu tối đa tác hại của thời tiết, tăng độ bền qua năm tháng.
Chị Mai Thị Phương ở thị trấn Chơn Thành, khách hàng thân thiết của xưởng điêu khắc Trang Long, cho biết: “Các bức tượng của anh Trang được chạm khắc tinh xảo, màu sắc tự nhiên nên rất “có hồn”. Ngắm nhiều bức tôi có cảm giác như tượng đang thủ thỉ, tâm tình với người xem nên rất thích và thường mua về làm quà lưu niệm tặng bạn bè, người thân ở xa”.
ƯỚC MONG NGHỀ ĐIÊU KHẮC VƯƠN XA
Chơn Thành hiện chỉ có 6 cơ sở điêu khắc với quy mô hộ gia đình, lại trong thời kỳ kinh tế khó khăn, mức sống người dân thấp và bị cạnh tranh với nhiều mặt hàng khác, như bonsai, non bộ... nên các sản phẩm điêu khắc khó tiêu thụ. Nhiều cơ sở đang phụ thuộc vào máy móc và việc dập khuôn khiến sản phẩm điêu khắc không có hồn, bị đánh giá thấp về giá trị nghệ thuật, khiến lượng khách hàng giảm mạnh. Từ đó gây khó khăn cho việc tìm kiếm và mở rộng mạng lưới khách hàng.
Họa sĩ kiêm nhà điêu khắc thiên tài người Tây Ban Nha Pablo Picasso cho rằng: “Điêu khắc là nghệ thuật dành cho người thông minh”. Quả thực, đặt chân đến bất kỳ nơi nào ở châu Âu, bạn cũng có thể gặp và chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc ấn tượng, như thần vệ nữ Milo ở Italy, tượng Decebalus ở Romani, đài tưởng niệm Motherland tại Ukraina... Ở Việt Nam, nghệ thuật điêu khắc đã trở thành một phần cuộc sống và kết tinh nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng muốn sống được với nghề, người làm điêu khắc phải sáng tạo, cần cù và ham học hỏi. Nhất là điêu khắc trên đá đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe tốt và khả năng chịu được độ khó đặc thù của vật liệu. Anh Lê Văn Trang |
Anh Trang cho hay: “Trước đây, xưởng điêu khắc Trang Long có tổ chức dạy nghề cho thanh niên nhưng phần lớn học viên không chọn lựa công việc này vì không kham nổi khó nhọc và không đủ kiên trì sống cùng điêu khắc”. Để bám trụ với nghề, anh phải nhận cả những công trình ở xa mới đủ trang trải cuộc sống. Dù vậy, anh luôn nuôi mong ước nghề điêu khắc sẽ vượt qua thời kỳ khó khăn và phát triển mạnh trong tương lai để người thợ điêu khắc có thể làm giàu bằng đam mê của mình.
Thưởng thức cái đẹp là nhu cầu tự nhiên của con người nên nghề sáng tạo cái đẹp như điêu khắc luôn có đất sống. “Để nghề phát triển và tạo ra nhiều lợi ích kinh tế, chúng tôi rất mong huyện quan tâm đầu tư mở các lớp đào tạo, dạy nghề điêu khắc; thành lập các hội, nhóm điêu khắc để tập trung những người yêu nghề; lập website quảng bá hình ảnh sản phẩm” - anh Trang cho biết.
Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, bản thân người làm nghề cũng phải trân trọng, gìn giữ và nâng niu những giá trị nghệ thuật; ý thức trong việc xây dựng thương hiệu và mở rộng mạng lưới khách hàng. Làm được như vậy, những người sống cùng nghề điêu khắc như anh Trang mới có thể thỏa sức sáng tạo và đưa những “đứa con tinh thần” đến mọi miền đất nước.
Thế Tường