Ngày 1/11,ểnđổitưduysảnxuấtnôngnghiệpsangkinhtếnôngnghiệtrận tối qua Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội. Lo ngại trước tình trạng phá vỡ quy hoạch trong ngành nông nghiệp cũng như thủ tục hành chính đang là gánh nặng với doanh nghiệp, nhiều đại biểu đã hiến kế để khôi phục, phát triển nền kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.
Cần chấm dứt các đợt “giải cứu nông sản”
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) dẫn báo cáo của Chính phủ đã đánh giá năm 2023 khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tăng 3,38%, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn.
“Dù đạt được kết quả tích cực và luôn xác định trụ đỡ của nền kinh tế, song đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Nông dân vẫn là chủ đề của nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được ngang hoặc dưới giá thành và liên tục phải giải cứu”, đại biểu tỉnh Bình Phước nêu thực tế.
Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và khắc phục cho được điệp khúc “được mùa, mất giá”, chấm dứt các đợt “giải cứu nông sản” như thời gian vừa qua.
Lưu ý sản phẩm sầu riêng hiện nay là một báo động, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo quy hoạch trồng trọt đề ra định hướng đến năm 2020 cả nước có 65.000 - 75.000 ha sầu riêng nhưng hiện cả nước đã có 131.000 ha sầu riêng. Mỗi năm diện tích cây trồng này tăng bình quân là 24,5%, mức tăng trưởng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực.
“Các chuyên gia lo ngại tình trạng người dân ở một số tỉnh phía Nam đổ xô trồng cây sầu riêng có thể sẽ dẫn đến hậu quả phá vỡ quy hoạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi cung vượt quá cầu. Đừng để sầu riêng trở thành sầu chung, sự thật quả rất đau lòng”, đại biểu cảnh báo.
Vì vậy, trước hết phải tạo cơ chế thông thoáng cùng các chính sách đủ hấp dẫn để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư vào vùng nông thôn.
“Vùng nông thôn là khoảng trống cho tư thương thu gom làm giá, điều này cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp, đầu tư vào vùng nông thôn vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương”, đại biểu tỉnh Bình Phước phân tích.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, trong giải pháp của Chính phủ đã đề cập chú trọng những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao gắn với phát triển thị trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, đảm bảo an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
“Như vậy, chúng ta đã chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Đây chính là một đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp”, đại biểu nhấn mạnh.
Để thực hiện điều này, đại biểu lưu ý, vai trò của doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt, thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp là rất quan trọng. Doanh nghiệp sẽ góp phần định hình tư duy của nông dân để thực hành làm kinh tế nông nghiệp.
Do vậy, Chính phủ, các bộ, ngành cần đồng hành tháo gỡ khó khăn trong việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, công nghệ cao trên đất nông nghiệp...
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Bình Phước nhấn mạnh đến việc Ngân hàng Nhà nước cần phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh.
“Để Việt Nam có vị trí cao trên bản đồ nông nghiệp thế giới, qua đó góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước, ngành nông nghiệp cần phải sớm hóa giải được những khó khăn, thách thức nội tại. Trong đó, tôi cho rằng quan tâm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp nông thôn là chìa khóa của thành công”, đại biểu nhấn mạnh.
Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Cùng mối quan tâm, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) dẫn mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có 35.000 hợp tác xã. Trong đó có trên 3.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Ông cho rằng, các số liệu thể hiện kết quả còn thấp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bày tỏ băn khoăn với nhận định "lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều nghị định thu hút đầu tư", đại biểu cho rằng, đến nay, hiệu quả của việc triển khai các nghị định chưa cao, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tương xứng với tiềm năng của ngành.
Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 57/2018 đang lấy ý kiến các bộ, ngành cũng không có nhiều điểm mới tạo đột phá, thậm chí một số chính sách hỗ trợ bị thu hẹp.
Từ đó, đại biểu tỉnh Tiền Giang kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ hàng loạt nội dung, trong đó sớm thiết kế, ban hành có chính sách đột phá chiến lược trong phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa.
Cùng với đó là sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng coi các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể, người dân, đầu tư công, quản trị công cộng. Đồng thời có cơ chế hiệu quả thúc đẩy và tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước...